Tham quan Bảo tàng tỉnh, du khách sẽ dễ dàng hình dung và hiểu thêm về tiềm năng, thế mạnh của BR-VT qua các bộ sưu tập về thành tựu kinh tế-xã hội của tỉnh trong gần 30 năm qua. Đặc biệt, với một địa phương mạnh về kinh tế biển, không thể không nhắc tới các lĩnh vực như dầu khí, cảng biển, du lịch…
Tổ hợp trưng bày du lịch. |
Tổ hợp dầu khí-nhà giàn DK1: Vùng lãnh hải của BR-VT có hơn 100.000km2 thềm lục địa, là nơi có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt lớn nhất cả nước (ước tính khoảng 1,5-3 tỷ tấn dầu (quy đổi) và 300 tỷ m3 khí). Năm 1986, mỏ Bạch Hổ ngoài khơi biển Vũng Tàu bắt đầu khai thác những tấn dầu đầu tiên. Đến năm 2019, trữ lượng khai thác của ngành dầu khí đạt khoảng 500 triệu tấn dầu, trong đó 400 triệu tấn là dầu thô và 150 tỷ m3 khí đốt. TP. Vũng Tàu là trung tâm thăm dò, khai thác, dịch vụ dầu khí lớn nhất của cả nước. Tổ hợp giới thiệu nhiều hiện vật gắn liền với ngành dầu khí: Các mẫu đá chứa dầu được phát hiện ở các mỏ: Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng, các mẫu hóa phẩm dùng trong khoan thăm dò, các mẫu dầu thô, các loại mũi khoan sử dụng khai thác dầu khí mô hình giàn khoan khai thác dầu tại mỏ Bạch Hổ…
Giàn DK1: là tên gọi của cụm Dịch vụ Kinh tế Khoa học Kỹ thuật được xây dựng theo Chỉ thị số 180/CT ngày 5/7/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa Việt Nam và sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Hệ thống Nhà giàn được xây dựng từ năm 1989 đến 1997 do Lữ đoàn 171, vùng II, trực tiếp quản lý gồm các cụm: Tư Chính, Phúc Tần, Ba Kè, Phúc Nguyên, Huyền Trân, Quế Đường và Cà Mau với 20 nhà giàn, (hiện nay là 15, trong đó có 8 nhà giàn có bãi đỗ trực thăng, 4 nhà giàn có hải đăng, 1 nhà giàn có trạm quan trắc. Tại đây du khách có thể tìm hiểu về mô hình nhà giàn có bãi trực thăng, hệ thống điện bằng năng lượng mặt trời, trạm thu phát sóng viễn thông... càng khâm phục các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân đã trải qua biết bao mùa bão tố, hiên ngang, kiên cường, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc...
Tổ hợp cảng biển: BR-VT nằm ở vị trí cửa ngõ giao thương của khu vực Đông Nam Bộ, gần đường hàng hải quốc tế, với chiều dài 305,4km bờ biển và 50km2 mặt vịnh Gềnh Rái, cùng với các cửa sông Lòng Tàu, sông Dinh, sông Chà Và, Thị Vải-Cái Mép đã hội tụ điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, có khả năng tiếp nhận các loại tàu có trọng tải từ 80.000-120.000 tấn. Dự kiến sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển BR-VT năm 2020 khoảng 101,6-109,2 triệu tấn; năm 2025 khoảng 133,2-149,4 triệu tấn; năm 2030 khoảng 161,8-195,5 triệu tấn. Tỉnh có 24/57 cảng đang hoạt động dưới sự quản lý của cảng vụ Vũng Tàu, thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, trong đó có các cảng: Baria-Serese, cảng Dầu khí, Công ty dịch vụ Dầu khí (PTSC), cảng thương mại, cảng Cát Lở, Cái Mép-Thị Vải, Bến Đầm-Côn Đảo. Ngoài ra, tỉnh còn quy hoạch và xây dựng một số cảng khác. Hệ thống cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược biển và là kinh tế chủ đạo, khâu đột phá thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho tỉnh BR-VT. Tổ hợp cũng thể hiện một phần cảng biển quốc tế Cái Mép-Thị Vải, nơi đây tiếp nhận và đón nhiều tàu vận tải, tàu chở khách du lịch 5 sao cập bến… Nhiều hình ảnh giới thiệu sinh động giúp du khách thấy được khung cảnh rộn rạng của một cảng biển năng động, của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu…
Tổ hợp du lịch: BR-VT có bờ biển dài uốn lượn quanh các ngọn núi với bãi cát thoai thoải và nước biển xanh tạo nên nhiều bãi tắm đẹp (Bãi Trước, Bãi Sau, Hồ Tràm, Hồ Cốc, Long Hải, Đầm Trầu…) và các resort cao cấp phục vụ cho du lịch giải trí, nghỉ dưỡng, khám phá, thể thao biển. Tổ hợp tái hiện lại một góc không gian của khu vực Bãi Sau, TP. Vũng Tàu, là bãi tắm thu hút lượng khách đến nghỉ dưỡng, tắm biển vào cuối tuần, lễ, Tết… Tại đây, hàng năm ngành du lịch tổ chức nhiều lễ hội: diều quốc tế, bóng chuyền bãi biển…
NGUYỄN DUYÊN