Mỗi dịp Tết đến, xuân về, đồng bào dân tộc Châu Ro quây quần bên bếp lửa hồng, người già thì uống rượu cần, còn thanh niên nam nữ cùng nhau nhảy múa theo nhịp của đàn Goong Cla, làm cho mùa xuân của người Châu Ro càng thêm xuân.
Ngoài đàn Goong Cla truyền thống, người Châu Ro còn sáng tạo nên đàn ống tre. |
Những ngón tay lướt nhẹ nhàng trên dây đàn Goong Cla, bà Lý Thị Nhiễn (81 tuổi, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức), Đội trưởng đội văn nghệ dân tộc Châu Ro xã Bàu Chinh thả hồn theo những âm thanh trầm bổng, thánh thót lan tỏa khắp không gian. Bà Lý Thị Nhiễn vừa say sưa đánh đàn, vừa nhẩn nha kể về cây đàn Goong Cla của đồng bào mình. Goong Cla là loại nhạc cụ cổ truyền của đồng bào dân tộc Châu Ro, được làm bằng ống tre có độ dài khoảng 40-60cm, có 5 dây, với thang âm đô, rê, pha, son, la. Hình thù đơn giản là một ống tre nhưng để hoàn thành một cây đàn Goong Cla phải trải qua rất nhiều công đoạn. Ống tre được chọn là thân tre lồ ô già, chia làm 4 phần, cắt bỏ 1 phần và bào nhẵn góc cạnh ở phần còn lại làm đế đàn. Chia bề mặt ống tre thành 5 phần bằng nhau sau đó đẽo, gọt để làm dây đàn.
Nghệ nhân khoét vào bề mặt ống tre, tách lên kéo dài từ đầu tới cuối ống có độ dài, ngắn khác nhau để có những chiếc dây làm bằng tre. Sau đó, họ vót những miếng tre nhỏ chèn vào 2 đầu dây, miếng tre mỏng dần từ phải qua trái theo thứ tự âm vực; cứ như thế mỗi dây đàn đều có 2 miếng, tác dụng căng dây đàn, tạo thang âm để đàn phát ra những âm thanh “tinh tang” khác nhau. Khi biểu diễn, đàn được để trên một thùng gỗ hoặc nhôm để tăng phần cộng hưởng; nghệ nhân hai tay giữ đàn vừa lấy các ngón tay gảy vào dây tre để vang lên những âm thanh lúc nỉ non như tiếng suối chảy róc rách, lúc lại ngân nga âm điệu rất vui tai.
Trong các dịp lễ hội lớn như: Lễ Yangra (cúng thần Lúa, tháng 11 âm lịch), Yangvri (cúng thần Rừng, tổ chức 3 năm một lần vào tháng 2 âm lịch), những gia đình người Châu Ro rủ nhau quây quần quanh đống lửa, gảy đàn Goong Cla, đánh chiêng, ca hát và nhảy múa. Ông Nguyễn Ngọc Sáu, Quản lý Nhà Văn hóa Bàu Chinh (xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) cho biết: “Đàn Goong Cla là nhạc cụ phổ biến, được làm từ vật dụng dễ tìm là tre, đàn rất dễ học, âm điệu phát ra êm tai, dễ nghe nên được đông đảo các bạn trẻ tìm tới học và yêu thích. Dù trải qua khoảng thời gian dài nhưng đàn vẫn rất phổ biến trong đời sống của đồng bào. Không còn bó hẹp trong cộng đồng người dân tộc Châu Ro, đàn Goong Cla đã được lan tỏa để sử dụng như một nhạc cụ phổ biến ở nhiều nơi, nhiều dân tộc trong các chương trình lễ hội của nhiều tỉnh, thành trên cả nước”.
Theo bà Nhiễn, xuất phát từ âm thanh độc đáo của đàn Goong Cla, những thế hệ con cháu đồng bào dân tộc Châu Ro đã sáng tạo nên bộ chiêng 7 chiếc. Âm vực của mỗi chiếc chiêng được mô phỏng dựa theo âm thanh của 5 dây đàn Goong Cla. Họ cũng sáng tạo thêm 2 chiếc chiêng để hoàn thiện thang âm 7 nốt: đô, rê, mi, pha, son, la, si. Cũng theo những âm vực của đàn Goong Cla, cộng đồng người Châu Ro còn sáng tạo nên đàn ống tre, đàn là tổ hợp của hơn 30 ống tre có độ dài ngắn khác nhau đan thành vòng tròn. Đàn ống tre dành cho 2 người trở lên phối hợp ăn ý để tạo nên những bản nhạc mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Châu Ro.
“Đàn Goong Cla do ông bà tổ tiên chúng tôi sáng tạo ra để gửi gắm những nỗi lòng, niềm mong mỏi, ước mơ vào cuộc sống. Đó là những lời tự sự, là tiếng lòng sâu kín khó giãi bày nhưng mang tính giáo dục sâu sắc gửi cho con cháu đời sau. Đàn Goong Cla trở nên độc đáo vì truyền tải được kho tàng âm nhạc của người Châu Ro một cách giản dị, tự nhiên, thực sự là một kho báu mà cha ông chúng tôi đã để lại và thế hệ con cháu đã giữ gìn đến bây giờ”, bà Nhiễn nói.
Bài, ảnh: MAI NGỌC