NHỮNG TRẬN ĐÁNH CỦA QUÂN VÀ DÂN BR-VT TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP: Tiến công đoàn xe của quân Pháp ở Ẹo Ông Từ

Thứ Tư, 12/08/2020, 21:46 [GMT+7]
In bài này
.

Ẹo Ông Từ hiện nay nằm trên đường 30/4 thuộc địa phận phường 12, TP. Vũng Tàu. Trước năm 1975, Ẹo Ông Từ là khúc cua duy nhất trên đoạn Quốc lộ 15 (QL51) từ Bà Rịa về Vũng Tàu. Tháng 6/1947, lực lượng vũ trang kháng chiến của tỉnh đã phục kích, tiến công tiêu diệt đoàn xe đặc biệt của quân Pháp trên đoạn đường này.

Khu vực Ẹo Ông Từ hiện nay.
Khu vực Ẹo Ông Từ hiện nay.

Vũng Tàu có vị trí đặc biệt về quân sự cũng như kinh tế, chính trị ở miền Đông. Đây là cửa ngõ đường biển vào Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ đến các tỉnh Trung Bộ, Bắc Bộ, cũng như ra nước ngoài. Lực lượng quân sự, vũ khí trang bị, lương thực, thực phẩm và phương tiện hậu cần của quân Pháp từ Sài Gòn chuyên chở ra miền Bắc để tiến hành chiến tranh xâm lược đều đi theo đường biển qua Vũng Tàu. Vì vậy, Pháp âm mưu biến Vũng Tàu thành căn cứ quân sự phục vụ cho kế hoạch xâm chiếm toàn cõi Việt Nam lần nữa. Chúng thiết lập nhiều đồn bốt, lô cốt, tháp canh bên cạnh bộ máy ngụy quyền kìm kẹp. Hầu hết các phường, xã đều có lính Pháp chốt giữ như: bốt Bến Đình, bốt Nhà máy nước, bốt Thắng Tam, bốt Lính kín (Văn phòng Chánh mật thám Liên bang)… Sau khi chiếm Bà Trao - Núi Nứa, thực dân Pháp lập thêm bốt Bến Đá (Long Sơn).

Đầu năm 1947, Tỉnh ủy Bà Rịa được thành lập. Công tác xây dựng Đảng cũng như xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang kháng chiến trên toàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Lực lượng Quốc vệ đội của tỉnh đã tổ chức phục kích tiêu diệt 11 tên địch ở đồn Bến Đá (Long Sơn), thu 12 súng và nhiều đạn dược. Sau trận thắng của bộ đội ta, địch buộc phải rút khỏi bốt Bến Đá. Khu vực cù lao Núi Nứa - Bà Trao hoàn toàn giải phóng. Ủy ban Hành chính Vũng Tàu đã đưa cán bộ về khu vực Bà Trao - Núi Nứa tổ chức lại chính quyền kháng chiến. Địa bàn Bà Trao - Núi Nứa trở thành căn cứ kháng chiến của tỉnh cũng như Vũng Tàu, đồng thời là căn cứ đứng chân của các lực lượng vũ trang kháng chiến như: Chi đội 16, Quốc vệ đội, Quân báo, Quốc gia tự vệ cuộc (công an)… 

Nhận thấy Quốc lộ 15 là tuyến giao thông đường bộ từ Sài Gòn về Vũng Tàu cực kỳ quan trọng đối với các hoạt động quân sự của địch ở miền Đông, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang kháng chiến ở khu vực Bà Trao - Núi Nứa đã nghiên cứu, tìm phương án đánh địch trên Quốc lộ 15 thuộc địa bàn Vũng Tàu.  Sau khi nghiên cứu thực địa, Ban chỉ huy Chi đội 16 quyết định chọn địa điểm phục kích tiến công địch tại khu vực Ẹo Ông Từ. Đoạn đường này rất hiểm yếu, là khúc cua duy nhất trên Quốc lộ 15, cách Bà Rịa và Vũng Tàu hơn 10km. Hai bên đường có nhiều cây cối rậm rạp, nằm sát rừng sú, vẹt ngập mặn, lại cách căn cứ Bà Trao - Núi Nứa không xa, bộ đội ta có thể chiếm lĩnh trận địa đánh địch rồi nhanh chóng rút về căn cứ. 

Chi đội 16 giao nhiệm vụ cho Đại đội A, tăng cường một bộ phận của Đại đội B, gồm 60 chiến sĩ khỏe mạnh, giỏi bơi lội, tham gia trận phục kích Ẹo Ông Từ. Chỉ huy trận đánh là ông Trần Đông Hưng, Đại đội trưởng Đại đội A Chi đội 16, và ông Phạm Văn Tường, Phó ban Quân báo tỉnh. 

Các chiến sĩ Chi đội 16 tham gia trận phục kích chia làm nhiều mũi ém quân hai bên đường khu vực ẹo Ông Từ. Ngày 20/6/1947, một đoàn xe của Pháp chở lính Âu Phi hộ tống những chiếc xe chở hàng đặc biệt đi trên Quốc lộ 15 về Vũng Tàu. Chờ cho đoàn xe địch lọt vào ổ phục kích, bộ đội ta dùng súng máy và lựu đạn tấn công tốp xe đi đầu. Chiếc xe chở lính Âu Phi trúng đạn lật nhào. Bị tấn công bất ngờ, đoàn xe địch khựng lại. Bộ đội ta đồng loạt nổ súng vào những chiếc xe chở lính phía sau. Địch hoảng loạn nhảy xuống xe tìm đường tháo chạy. Cùng lúc, các mũi tiến công của bộ đội ta ào lên bủa vây, tiêu diệt địch.  

Trận phục kích tiến công đoàn xe đặc biệt của Pháp ở Ẹo Ông Từ thắng lợi hoàn toàn, loại khỏi vòng chiến đấu 1 trung đội lính Âu Phi, ta thu giữ 20 khẩu súng các loại, trong đó có 2 súng trung liên và nhiều thùng tiền, quân ta không ai bị thương vong.

Trận phục kích khiến Pháp hoang mang, lo sợ. Cũng từ đây, Quốc lộ 15, tuyến  giao thông huyết mạch của quân đội viễn chinh Pháp ở miền Đông Nam Bộ đã trở thành chiến địa, lực lượng vũ trang kháng chiến liên tục tiến công đánh bại chiến lược bình định vùng tạm chiếm của quân đội viễn chinh Pháp ở Nam Bộ.

TRẦN BÌNH

---------

Tài liệu tham khảo: Lịch sử Đảng bộ TP. Vũng Tàu; Lịch sử Đảng bộ tỉnh BR-VT; Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam Bộ lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ…

;
.