Trang phục bà ba đen trong tín ngưỡng ông Trần

Thứ Hai, 15/06/2020, 21:46 [GMT+7]
In bài này
.

Trước năm 1900, ông Trần và một số cư dân từ Hà Tiên, Kiên Giang về khai phá, xây dựng và lập nghiệp ở Long Sơn, TP. Vũng Tàu, đã hình thành nét văn hóa dân gian cổ truyền đặc sắc về tín ngưỡng, văn hóa Nhà Lớn Long Sơn, trong đó có bộ trang phục bà ba màu đen.     

Hương chức Nhà Lớn Long Sơn vận đồ bà ba tiếp khách.
Hương chức Nhà Lớn Long Sơn vận đồ bà ba tiếp khách.

Hơn 100 năm nay, trang phục bộ bà ba đen là đặc trưng của cư dân tín ngưỡng ông Trần tại Nhà Lớn Long Sơn. Theo bà Lê Thị Đến, hậu duệ đời thứ tư của ông Trần cho biết, bộ bà ba đen là trang phục truyền thống của những người theo tín ngưỡng ông Trần mang ý nghĩa triết lý nhân văn sâu sắc về tu nhân học Phật, đạo làm người, giản dị, khiêm tốn, chân chính, tiết kiệm. Màu đen nhưng tấm lòng không đen, tâm tính trong và bình như nước luôn nhắc nhở mọi người sống, lao động, làm việc phải giữ mình, không sân si dục vọng, không làm trái đạo lý, không vi phạm pháp luật. Khi ông Trần còn sống, quy định áo may thường là loại vải thô từ bốn mảnh vải đen ráp lại (áo có bốn thân), cổ tròn, thân trước gồm 2 mảnh, ở giữa có 2 dải khuy cài chạy dài từ trên xuống, ráp 2 vạt trước qua 5 khuy nút cài ở giữa, trước ngực, với hàm ý làm tròn đạo nghĩa với chữ Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín; 2 mảnh phía sau ráp lại được hiểu là “đấu lưng” - cùng chung lưng đấu cật, người người đoàn kết một lòng. Đối với quần, may theo một kiểu riêng thể hiện lòng rộng mở, làm những điều thiện, không tham, con người phải có điểm dừng, biết kiểm soát mình. 

Qua nhiều năm, thân sau của áo bà ba ngày nay, nhiều người không may 2 mảnh kiểu đấu lưng như trước mà chỉ dùng 1 mảnh vải nguyên may lại cho đơn giản, áo chít eo xẻ tà vừa phải ở 2 bên hông, độ dài của áo vừa phải, gần như bó sát thân. Áo kết hợp với quần đen dài chạm gót chân, tô thêm vẻ đẹp vóc dáng của người phụ nữ với chiếc lưng ong nhẹ nhàng, thanh thoát và mềm mại. Ngoài bộ áo quần bà ba đen thường phục, người theo tín ngưỡng ông Trần tối thiểu phải có áo dài đen, đàn ông có chiếc khăn đóng. 

Khăn đóng, áo dài may bằng vải thường, không dùng hàng nhung lụa, chỉ mặc khi lễ nghi ở Nhà Lớn hay đi đình, chùa, lễ, hiếu hỉ. Khăn đóng thường dùng cho đàn ông là một dải vải đen nhưng hẹp, khi quấn lên đầu phải đúng 7 vòng, chừa ngấn để phân biệt từng vòng), phía sau đỉnh đầu để lộ ra tóc búi. 

  Thường ngày khi ra khỏi nhà, dù đi làm, đi chợ, hay tới Nhà Lớn phụng sự, đàn ông, đàn bà, trẻ con đều mang trên người bộ quần áo bà ba bằng vải nhuộm màu đen, đi chân trần, không mang dép, guốc. Ngày lễ mọi người đều mặc áo dài. Đàn ông trung niên khoảng 40 tuổi trở lên, tóc búi củ hành sau gáy và đầu quấn khăn xếp màu đen.  Như vậy có thể nói bộ bà ba đen trang phục truyền thống Nhà Lớn là thừa kế tinh hoa từ đời sống sinh hoạt của cư dân miền sông nước Nam Bộ, cũng như sự ảnh hưởng sắc phục từ những tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa - Bửu Sơn Kỳ Hương.  

   Nhà Lớn Long Sơn nói chung, những người tín ngưỡng theo ông Trần nói riêng luôn duy trì trang phục bộ bà ba đen là biểu trưng truyền thống trong lễ nghi, lao động sinh hoạt thường ngày. Hơn 100 năm nay, trang phục bà ba đen vẫn còn nguyên giá trị, được duy trì như một niềm tin và tự hào với nét đẹp đời thường dân dã, bình dị, gọn gàng lịch thiệp đầy tính nhân văn mà không mất đi vẻ trang nghiêm của con cháu, những người theo tín ngưỡng ông Trần.

CHÍ THÂN 

(Phó Chủ tịch Hội KHLS tỉnh BR-VT)

 
;
.