TAM THẮNG - XƯA VÀ NAY

Thắng Tam thuở mới lập làng

Thứ Hai, 29/06/2020, 07:48 [GMT+7]
In bài này
.

Thắng Tam là 1 trong 3 “thuyền” thuộc thủ Phước Thắng, được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XIX, do ông đội Ngô Văn Huyền đứng đầu. Làng lập nên không theo lối quy dân lập ấp truyền thống mà từ một đơn vị lính đồn trú được giải thể, sau này mới thành làng Thắng Tam.

Bãi Trước đầu thế kỷ XX (ảnh tư liệu).
Bãi Trước đầu thế kỷ XX (ảnh tư liệu).

Dân thuyền Thắng Tam ban đầu chủ yếu là những người lính được giải ngũ dưới thời vua Minh Mạng. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (vào những năm 40 của thế kỷ XIX) cho biết: Đứng đầu bảo (pháo đài Phước Thắng, nay là vị trí của di tích lịch sử văn hóa Bạch Dinh) là một Tấn thủ, Trật tòng Ngũ phẩm Võ ban (chỉ huy chung). Về quân thường trực có 40 người và binh giữ phụ là 10 người. Ngoài ra, dân 3 thuyền Thắng Nhất, thắng Nhì và Thắng Tam có trách nhiệm lập thành 4 đội, hỗ trợ cho bảo Phước Thắng khi cần đến. Theo miêu tả trong Địa bạ triều Nguyễn của Nguyễn Đình Đầu, thuyền Thắng Tam có vị trí bao gồm toàn bộ khu vực Phường 1, 2, 4, 8, Thắng Tam, Nguyễn An Ninh hiện nay. 

Địa hình của làng Thắng Tam xưa là có nhiều bàu nước, trải dài đến 10km từ phía chân Núi Nhỏ (Phường 2) đến Cửa Lấp (Phường 12), nơi có nhiều địa danh xưa nghe dân dã như: đìa Sấu, cù lao Trôm, Bưng Nghệ, đìa Cá Hang, trũng Găng, cù lao Đậu Phộng, cù lao Tượng, bàu Đước, bàu Ốc… Hiện nay, những địa danh này trải dọc từ Bàu Sen, Bàu Trũng đến đường Lê Hồng Phong… 

Làng Thắng Tam là nơi gìn giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa ghi dấu ấn đặc trưng văn hóa xưa của vùng đất Vũng Tàu như: Đình thần Thắng Tam, Lăng Ông Nam Hải, miếu Bà nương nương. Đình Thắng Tam tọa lạc trên đường Hoàng Hoa Thám, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu, được xây dựng vào năm 1820. Đình thần gồm các tòa kiến trúc như sau: Tòa Tiền Hiền, Đình Trung và tòa Võ Ca. Tại trung tâm ngôi Tiền hiền là nơi thờ ông Đội Ngô Văn Huyền, người đứng đầu thuyền Thắng Tam, có công lao khẩn đất, quy dân lập ra làng Thắng Tam. Tại tòa Đình Trung (Chánh điện) có các bàn thờ Thần Thành Hoàng, Đại Càn quốc gia Nam Hải, Thần Nông, Thần Cao Các, Ngũ Đức Thánh Phi, Tả Ban, Hữu Ban, Trương Thiên Sư, Lang Lại Nhị Đại Tướng Quân… Lễ hội Kỳ yên đình Thắng Tam  được tổ chức từ ngày 17 đến  ngày 19 tháng 2 (âm lịch) hằng năm. Tại Đình Thần hiện lưu giữ 13 sắc phong  cho các vị thần Thiên YANa, Thủy Long thần nữ… dưới triều vua Thiệu Trị, Tự Đức vào các năm 1845, 1846, 1850. Lăng Ông Nam Hải (thờ Cá Ông) nằm kề phía đông của Đình được xây dựng vào năm 1824, là nơi thờ Cá Ông, vị thần phù trợ  cho ngư dân miền biển, trong quá trình đánh bắt hải sản nếu gặp nạn trên biển sẽ được Cá Ông cứu giúp. Tại đây đang lưu giữ bảo quản nhiều bộ xương cá ông, có bộ xương lớn nhất dài đến 18m. Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào ngày 16 đến ngày 18 tháng 8 (âm lịch) hằng năm và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là 1 trong 15 lễ hội tiêu biểu Quốc gia. Phía Tây của đình là miếu thờ Ngũ Hành nương nương, được xây dựng vào năm 1834, bên trong chánh điện có bàn thờ 5 bà là Ngũ Đức thánh phi tượng trưng cho 5 yếu tố vật chất (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) tạo nên vũ trụ. Lễ hội truyền thống miếu bà Ngũ Hành nương nương diễn ra vào các ngày 16 đến ngày 18  tháng 10  (âm lịch) hằng năm…

Khu quần thể di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia, gắn liền với quá trình bảo vệ, trấn giữ tiền đồn quan trọng của vùng đất “đầu sóng ngọn gió”, bảo vệ yên bình cho nhân dân, đánh dấu quá trình mở đất lập làng đầu tiên của TP. Vũng Tàu cách đây 2 thế kỷ. 

NGUYỄN VĂN TÂM

 
;
.