Từ một vùng đất thưa vắng người, Thắng Nhì ngày nay là một vùng đô thị dân cư đông đúc, tấp nập, có chợ, có bến tàu với ghe thuyền nhộn nhịp vào ra.
Lễ hội Nghinh Ông cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an là lễ hội truyền thống hàng năm của ngư dân Thắng Nhì. |
Phường Thắng Nhì hiện nay là một phần của Thắng Nhì xưa, có diện tích 272,8ha với 4.500 hộ (hơn 24.000 nhân khẩu). Địa giới hành chính phường: Đông giáp phường 9 và phường 7, Tây giáp phường 5; Nam giáp phường 4 và phường 1; Bắc giáp phường 9.
Ông Mai Văn Ba, 80 tuổi, ngụ tại 36/2, Ngư Phủ, phường Thắng Nhì cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở Thắng Nhì, đã chứng kiến bao đổi thay của vùng đất này. “Ngày xưa nơi đây thưa người qua lại, những con đường đất nhỏ gồ ghề đá sỏi, mang đậm nét đặc trưng của các làng chài ven biển. Ngày nay, các tuyến phố của Thắng Nhì được mở rộng, trải nhựa khang trang, trở thành trung tâm buôn bán sầm uất, đời sống người dân cũng được nâng lên”, ông Ba kể.
Ông Ba từng tham gia Ban tế tự Đình Thắng Nhì nên có thể kể vanh vách về lịch sử ngôi Đình thần được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX này. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh ngôi đình, ông giới thiệu: “Đình thần Thắng Nhì thờ ông đội Lê Văn Lộc, người có công mở đất, lập làng. Đình gồm ngôi Tiền hiền, Chánh điện và tòa Võ ca. Sau nhiều lần được sửa chữa, xây dựng lại, ngôi Tiền hiền hiện nay giữ nguyên phong cách của ngôi đình từ năm 1828; còn ngôi Chánh điện được xây từ năm 1969”. Ngày 11/5 âm lịch, một nghi lễ nhỏ thường được tổ chức để tưởng nhớ người khai lập ngôi đình. Lễ chính tại Đình là lễ hội kỳ yên, cầu quốc thái, dân an của nhân dân được tổ chức vào ngày 10-12 tháng 11 âm lịch hằng năm. Nhiều người dân Thắng Nhì định cư ở nước ngoài, đến ngày lễ hội kỳ yên lại hẹn nhau trở về dâng hương tưởng nhớ vị thần lập làng khi xưa. Tín ngưỡng tốt đẹp này vẫn được duy trì cho đến ngày hôm nay.
Trong số các ngành nghề xưa, nghề đánh bắt hải sản ở Thắng Nhì vẫn được duy trì từ khi mới lập làng đến nay. Nhiều gia đình đã gắn bó cả đời với nghề, được truyền từ đời này qua đời khác, mang lại cuộc sống ổn định, ấm no. Ông Nguyễn Văn Tra (74 tuổi, ngụ tại 33/3, Ngư Phủ) sinh ra tại xã Long Sơn, nhưng từ khi 12 tuổi đã theo gia đình về sinh sống tại phường Thắng Nhì bằng nghề đánh bắt hải sản. “Đời cha, rồi đời tôi và con, cháu tôi đều gắn bó với biển. Có thời điểm, tôi sở hữu tới 4 cặp ghe. Sau này, tôi chia cho các con để làm kế sinh nhai. Giờ lớn tuổi, tôi chỉ ở nhà, phụ con, cháu và làm công việc coi sóc Lăng Ông Nam Hải phường Thắng Nhì”, ông Tra kể.
Lăng Ông Nam Hải có từ lâu đời. Khi còn nhỏ, ông Tra theo cha đi đánh bắt hải sản đã thấy. Lăng là nơi ngư dân đến dâng lễ, mong một mùa đánh bắt bội thu. “Vào các ngày từ 22 đến 24/3 âm lịch hàng năm diễn ra Lễ hội Nghinh Ông Thắng Nhì, tuy không làm lớn như các địa phương khác, nhưng cũng là dịp ngư dân khắp nơi đến dâng lễ, cầu mong chuyến mở biển đầu năm thành công, tạo đà cho cả năm mưa thuận gió hòa”, ông Tra nói.
Bà Trương Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Nhì cho biết, từ cơ cấu kinh tế chủ yếu khai thác hải sản, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ phường Thắng Nhì đã xác định cơ cấu các ngành kinh tế của phường chuyển dịch theo hướng: Thương mại, dịch vụ-hải sản-tiểu thủ công nghiệp. Các hoạt động thương mại-dịch vụ chủ yếu tập trung tại khu vực chợ Bến Đình, tuyến đường Lê Lợi-Nguyễn An Ninh-Trần Phú-Khu tái định cư Bến Đình. Đối với nghề đánh bắt, khai thác hải sản, sản lượng bình quân gần 18 ngàn tấn/năm, giá trị sản lượng khai thác gần 2.700 tỷ đồng/năm. Phường đã tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các hộ ngư dân (vay vốn, thủ tục pháp lý...) đóng mới, nâng cấp tàu thuyền để khai thác xa bờ, đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả khai thác.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH