Vào thời vua Gia Long (1802-1820) để kiểm soát và bảo vệ khu vực vịnh Ghềnh Rái, cửa biển Cần Giờ, triều đình đã cử 3 “thuyền” đến vùng đất Vũng Tàu trấn giữ. 3 thuyền gồm: thuyền Thắng Nhất, thuyền Thắng Nhì và thuyền Thắng Tam. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 3 thuyền này được nhà vua cho giải ngũ và được cho lập làng trên vùng đất họ trấn giữ. Cái tên Tam Thắng cũng bắt đầu từ đây.
Đồn ải bảo Phước Thắng thời Nhà Nguyễn - vị trí hiện nay là khu di tích lịch sử văn hóa Bạch Dinh. Ảnh: THÙY VÂN |
“Thuyền” ở đây là đơn vị nhỏ nhất của hệ thống quân đội nhà Nguyễn, có số lượng biên chế từ 50 đến 100 người. Như vậy, thuyền Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam ý nghĩa ban đầu là 3 đội quân của vua Nguyễn Ánh, được bố trí canh phòng tại Vũng Tàu, bên vịnh Ghềnh Rái.
Sách Chuyên khảo về tỉnh Bà Rịa và TP. Vũng Tàu cho biết, thời đó “hải tặc Mã Lai thường hoành hành trên vùng biển cửa sông Sài Gòn, gây thiệt hại cho các tàu bè trên đường từ Huế - Đà Nẵng đến Sài Gòn… Vua Gia Long cử 3 thuyền, dẫn đầu mỗi thuyền là một viên Suất đội, trấn giữ vùng biển Vũng Tàu - Cần Giờ và đuổi cướp Mã Lai. Họ đặt tên đồn ải đó là bảo Phước Thắng (vị trí hiện nay là khu di tích lịch sử văn hóa Bạch Dinh). Họ đã thống lĩnh kiểm soát tốt cửa ải này. Khi nạn cướp biển chấm dứt. Năm 1822, dưới đời Minh Mạng, vua cho lớp lính giải ngũ và cho họ lập làng ngay trên đồn mà họ trấn giữ. Vua cho miễn mọi loại thuế”.
Vũng Tàu đầu thế kỷ XX. |
Ba ông Suất đội chỉ huy 3 thuyền đã tổ chức khai phá và lập ra 3 thuyền lấy tên là thuyền Thắng Nhất, thuyền Thắng Nhì, thuyền Thắng Tam. Ông Phạm Văn Dinh cai quản thuyền Thắng Nhất. Ông Lê Văn Lộc cai quản thuyền Thắng Nhì. Ông Ngô Văn Huyền cai quản thuyền Thắng Tam. Sau này, 3 ông đều được thờ tại ngôi tiền hiền ở 3 ngôi đình của 3 thuyền tức 3 làng nói trên.
Như vậy Tam Thắng bắt nguồn từ chữ Tam Thuyền hay Tam Thoàn đọc chệch mà ra. Dưới triều vua Tự Đức và Thiệu Trị, Tam Thắng thuộc phủ Phước Thắng, huyện Phước An. Các đời vua Nhà Nguyễn từng ban 13 sắc phong cho đình làng Thắng Tam. Những bản sắc phong này hiện còn được bảo lưu văn bản gốc. Ngày nay, địa danh Tam Thắng gồm các phường: Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, thuộc TP. Vũng Tàu để tưởng nhớ, tri ân của các bậc tiền nhân có công bảo vệ, gìn giữ và khai phá vùng đất Vũng Tàu.
NGUYỄN DUYÊN TÂM