Năm 1999, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh BR-VT (1, Nguyễn Hữu Tiến, phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) được thành lập. Trải qua 21 năm, ngôi trường chuyên biệt này là nơi giúp trẻ khuyết tật được học tập, tiếp nhận kiến thức để tiến bộ hơn. Từ đó, các em đã trưởng thành và có kỹ năng sống để hoà nhập tốt với cộng đồng.
Cô Vũ Thị Luyên hướng dẫn em Nguyễn Tuấn Vũ, HS lớp 5 đọc bài trong giờ học Tiếng Việt. |
Thầy Nguyễn Hữu Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ấn tượng đầu tiên của tôi khi về đây nhận công tác là việc GV nói nhưng HS không thể nghe và hiểu được. Đây là rào cản lớn nhất, bởi GV, HS gặp khó khăn trong giao tiếp. Cùng với các GV khác, chúng tôi tập trung phát triển ngôn ngữ nói cho HS để từ đó các em biết học các môn văn hóa”.
Theo thầy Nguyễn Hữu Dũng, mục tiêu của trường là hình thành và phát triển nhân cách toàn diện, có tính tự lập tối đa và sự phụ thuộc tối thiểu, chuẩn bị tốt nhất các kỹ năng xã hội, làm tiền đề cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Đối với trẻ bình thường, việc dạy dỗ, chăm sóc đã khó, với trẻ khuyết tật, khó khăn lại nhân lên nhiều lần. Do đó, công tác giáo dục đặc biệt đòi hỏi phải có đội ngũ GV có tâm huyết, yêu thương, có kiến thức chuyên môn và có khả năng để nuôi dạy trẻ – đó chính là một trong những phương pháp tốt nhất để trẻ hòa nhập cộng đồng.
Có mặt tại trường vào sáng thứ Hai đầu tuần, có thể cảm nhận sự khác biệt của Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật so với những ngôi trường bình thường khác. Tại lớp 5, cô Vũ Thị Luyên đang dạy các em học trò môn tiếng Việt. Lớp cô Luyên có 7 HS, từ 13-16 tuổi, các em bị khiếm thính bẩm sinh. “Việc hướng dẫn mất rất nhiều thời gian vì các em học trước quên sau, nên GV phải rất kiên trì, lặp đi lặp lại động tác nhiều lần, giúp các em hình thành thói quen”, cô Luyên cho hay.
Việc hình thành và phát triển các loại ngôn ngữ là việc làm trọng tâm và xuyên suốt trong quá trình dạy học. Các GV của trường luôn tạo điều kiện cho HS được giao tiếp ở mọi lúc, mọi nơi, kích thích HS phát triển, biểu đạt bằng lời. Gắn bó với trường từ những ngày đầu mới thành lập, cô Vũ Thị Luyên cho rằng, nếu không có tâm huyết, không có tình yêu thương đối với trẻ khuyết tật thì khó lòng gắn bó với nghề. Cũng chính bằng tình yêu thương trẻ, các cô giáo đã tìm tòi, sáng tạo đồ dùng dạy học để giáo dục trẻ hiệu quả nhất. Từ những mảnh xốp, bìa lịch, các cô giáo đã cắt thành các con số, chữ cái… để dạy bằng trực quan sinh động cho các em dễ nhớ, dễ thuộc.
Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh hiện có 255 HS (từ 6-20 tuổi), bị khuyết tật điếc câm, khuyết tật trí tuệ. Trong đó, có 25 HS là khối THCS, 111 em khối HS tiểu học.
Những năm qua, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh liên tục đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, được Chủ tịch UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh tặng nhiều Bằng khen. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, GV cũng được nhận Bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT, LĐLĐ tỉnh…
|
Cũng giống cô Luyên, cô Lê Thị Lý, GVCN lớp 2 chậm phát triển trí tuệ đã có 21 năm dạy ở trường. Lớp cô Lý có 8 HS, từ 11 đến 13 tuổi. Một số em chậm phát triển trí tuệ, một số bị tăng động, các em độ tuổi khác nhau nên GV phải thực sự gần gũi để hiểu và dạy các em. Thời gian đầu khi mới dạy ở trường, thấy HS la hét, đập phá bàn ghế, chạy ra khỏi lớp… cô Lý cũng thấy nản lòng. Nhưng rồi dần dần, cô kiên trì hướng dẫn từng em, thấy các em tiếp nhận được kiến thức, cô Lý cũng cảm thấy hạnh phúc, thấy vui hơn, và thêm động lực gắn bó với trường hơn.
Theo các GV, những học trò hàng ngày nuôi dưỡng ước mơ của riêng mình. “Một số em chậm phát triển trí tuệ thể nhẹ, nhưng vẫn lập gia đình, có con. Sau này về trường thăm cô, đó là niềm hạnh phúc của nghề giáo mà không phải nghề nào cũng có được, và đó là động lực để chúng tôi gắn bó với ngôi trường này”, cô Lý kể.
Ngoài giờ học, các GV còn hướng dẫn trẻ tham gia các hoạt động nâng cao thể chất, trí tuệ và kỹ năng sống. Các em HS lớp 5 chơi cờ vua, vừa giải trí, vừa giúp các em thân thiết hơn. |
Do các em là những HS phát triển không bình thường nên học cái gì cũng khó, cần rất nhiều thời gian, công sức. “Các em sinh ra bị khiếm khuyết, bị dị tật đã là thiệt thòi rất lớn với bản thân các em và gia đình. Vì vậy, chúng tôi mong muốn bằng nghiệp vụ chuyên môn, có thể giúp đỡ các em tiến bộ hơn để hòa nhập với cộng đồng”, thầy Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH