Hòn Bảy Cạnh - hành trình khó quên

Chủ Nhật, 21/06/2020, 20:09 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày giữa tháng 6 vừa qua, chúng tôi có mặt tại Côn Đảo tham gia Liên hoan Câu lạc bộ Lý luận trẻ Cụm miền Đông Nam bộ lần thứ I. Đặc biệt trong chuyến hành trình này, chúng tôi may mắn được đến thăm hòn Bảy Cạnh để khám phá và có những trải nghiệm thú vị.

Đoàn tham quan Liên hoan Câu lạc bộ Lý luận trẻ Cụm miền Đông Nam bộ tặng công trình thanh niên cho Hạt kiểm lâm hòn Bảy Cạnh.
Đoàn tham quan Liên hoan Câu lạc bộ Lý luận trẻ Cụm miền Đông Nam bộ tặng công trình thanh niên cho Hạt kiểm lâm hòn Bảy Cạnh.

Sau 15 phút lướt sóng trên chiếc canô “siêu tốc”, chúng tôi đã có mặt tại hòn Bảy Cạnh. Với dáng người nhỏ nhắn, rắn chắc và hơi xạm đen vì nắng biển, anh Nguyễn Đình Lý, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh đã nồng nhiệt tiếp đón chúng tôi. Vừa đi anh vừa giới thiệu: “Hòn Bảy Cạnh gồm hai phần đảo nối với nhau bằng doi cát ở giữa. Toàn bộ đảo được bao phủ bởi rừng nhiệt đới nguyên sinh, với thành phần động, thực vật rừng rất phong phú. Ven biển phía Bắc của đảo là khu rừng ngập mặn, còn ở ven biển phía Nam là những bãi cát rất đẹp. Biển xung quanh hòn Bảy Cạnh là một rừng san hô với hàng đàn cá biển, ngọn Hải Đăng là do Pháp xây dựng vào năm 1884 hiện vẫn đang hoạt động, nằm ở độ cao 226m. Theo đường mòn lên núi, có thể leo lên ngọn Hải Đăng để ngắm nhìn thật xa quan cảnh bao la, hùng vĩ của trời và biển…”. 

Sau đó, anh hướng dẫn chúng tôi di chuyển tới khu vực rùa biển “vượt cạn”. Tại đây, anh kể tiếp: “Hòn Bảy Cạnh là nơi có rùa biển lên đẻ nhiều nhất và là một điểm nghiên cứu chủ yếu về rùa biển của Vườn quốc gia Côn Đảo. Vào ban đêm trong mùa sinh sản, rùa mẹ từ ngoài khơi vào các bãi cát ven đảo đẻ trứng…”

Chúng tôi ngạc nhiên và tò mò hỏi thêm: “Anh có thể cho biết kích thước của rùa biển, thời gian đẻ trứng bao lâu, quy trình ấp trứng như thế nào, rùa con sau bao nhiêu năm thì có thể sinh sản được, tỷ lệ sống sót của rùa con khi được thả về biển ra sao?”… Tính hiếu kỳ của những người lần đầu tiên đến đảo là vậy, thế nhưng anh Nguyễn Đình Lý vẫn vui vẻ, tươi cười tiếp chuyện chúng tôi: “Rùa biển có chiều dài 105cm, chiều rộng 92cm, mỗi lần rùa đẻ trong khoảng 25-30 phút và một mẹ rùa đẻ được khoảng 80-150 quả trứng. Sau khi đẻ trứng, rùa mẹ bơi về biển. Do đó, từ lúc ra khỏi lòng mẹ, những quả trứng đã phải tự lực cánh sinh, rùa con nở và tự tìm về với biển. Những ổ trứng non nớt ở lại trên bãi cát đối diện với bao nhiêu hiểm nguy. Động vật lấy trứng rùa để ăn, thủy triều dâng có thể làm ngập, thối ổ trứng, rồi nguy cơ từ chính kẻ xấu tới rình rập ngay từ lúc rùa chuẩn bị đẻ, các đối tượng lấy trứng để bán hoặc làm thực phẩm... Sau khi rùa mẹ đẻ xong, các kiểm lâm viên tiến hành gắn thẻ cho rùa mẹ. Với những rùa mẹ đã có thẻ thì các kiểm lâm viên đọc, lưu lại số hiệu thẻ gắn trên rùa mẹ để theo dõi. Các kiểm lâm viên tìm được chính xác ổ trứng rùa nằm dưới mặt đất khoảng 50-60cm và ngay lập tức đưa chúng thả vào một tổ rùa nhân tạo đã được chuẩn bị sẵn. Sau 50-60 ngày, các ổ trứng rùa bắt đầu nở. Rùa biển là loài có tính đồng đội rất cao, khi rùa con đã nở ở trong những tổ sâu khoảng 50cm, chúng đợi nhau và đồng loạt chui lên mặt đất. Tuổi trưởng thành và bắt đầu sinh sản của rùa biển là 25-30 tuổi. Tỷ lệ sống sót của rùa con là rất thấp, chỉ khoảng 0,01% số rùa sống đến tuổi trưởng thành.

Ngay sau khi cuộc trò chuyện tương đối dài khép lại, các thành viên trong đoàn được Trưởng Trạm kiểm lâm hòn Bảy Cạnh cho phép trải nghiệm một công việc hết sức đặc biệt mà chúng tôi vô cùng thích thú, đó là đưa đàn rùa con về biển. Đúng bản năng của nó, khi thấy nước biển, sóng biển chúng rất phấn khích như được trở về với chính nguồn cội của mình. Đặc biệt, rùa con rất thính, chúng chỉ chạy về phía có tiếng sóng biển...

Chia tay hòn Bảy Cạnh mà trong lòng biết bao quyến luyến. Bức tranh về cuộc sống nơi đây toát lên sự bình yên, đầm ấm. Con người và cảnh vật luôn hòa quyện vào nhau, cho nhau sự bình dị, hoang sơ mà quyến rũ vô cùng. Trước khi ra về chúng tôi không quên bắt những cái tay thật chặt, ôm những cái ôm thắm thiết để tạm biệt và cám ơn các anh - những người chiến sĩ kiểm lâm kiên trung nơi đầu sóng, ngọn gió, lực lượng nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh biên giới và hải đảo.

Bài, ảnh: HOÀNG ĐỨC DANH

 
;
.