NHỮNG NGÔI TRƯỜNG ĐẶC BIỆT

Nơi niềm tin trở lại

Chủ Nhật, 31/05/2020, 19:55 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2019, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An (53/1 Lê Hồng Phong, phường 7, TP. Vũng Tàu), tiền thân là nhóm lớp mẫu giáo Phước An được thành lập. Không chỉ là cơ sở giáo dục hòa nhập đầu tiên trên địa bàn tỉnh, đây còn là nơi tiếp thêm nghị lực, mang niềm tin trở lại với những gia đình không may có con khuyết tật.

Một giờ sinh hoạt nhóm của các bé lớp Vành Khuyên, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An (53/1 Lê Hồng Phong, phường 7, TP. Vũng Tàu).
Một giờ sinh hoạt nhóm của các bé lớp Vành Khuyên, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An (53/1 Lê Hồng Phong, phường 7, TP. Vũng Tàu).

HÀNH TRÌNH ĐI TÌM “ÁNH SÁNG”

Năm 1998, vợ chồng bà Lê Thị Chính Lan (Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An hiện nay) gần như suy sụp khi phát hiện con trai đầu lòng mắc chứng tự kỷ. Ròng rã 8 năm trời, người mẹ ấy mang con đi chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn không tìm được phương pháp điều trị phù hợp. Trong đau khổ, người mẹ ấy không thôi mơ ước về một mái trường, cũng chính là ngôi nhà hạnh phúc cho những đứa trẻ không may mắc bị tự kỷ.

Năm 2006, khi đưa con trở về từ TP. Hồ Chí Minh sau 4 năm trị liệu mà không hiệu quả, bà Lan “đánh liều” mượn một phòng học tại Trường MN Lê Hồng Phong (TP. Vũng Tàu) làm lớp học cho các bé tự kỷ. Bà nghĩ đến việc chính mình và những người mẹ khác sẽ là “giáo viên”, tự “can thiệp”, chữa trị cho con bằng những kiến thức đã tìm hiểu và học được qua các chuyên gia trong suốt 8 năm trời. Tháng 10/2006, lớp học cho trẻ chuyên biệt ra đời với vỏn vẹn 4 học sinh.

Chưa đầy 2 năm sau, tháng 5/2008, bà Lan chính thức mở nhóm lớp mầm non Phước An với 2 khối: Dành cho những đứa trẻ bình thường và khối chuyên biệt - dành cho trẻ tự kỷ. Bà tuyển thêm GV rồi đưa đi đào tạo, vay mượn tiền để sửa sang, xây lại lớp học, mua dụng cụ học tập. Bà đi khắp nơi học các bài tập vận động và phương pháp dạy trẻ tự kỷ rồi về hướng dẫn GV trong trường. Không dừng lại ở đó, bà tiếp tục miệt mài với dự án xây dựng một cơ sở giáo dục chuyên biệt dạy kỹ năng và hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật tại TP.Vũng Tàu. Và rồi, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An hoàn thiện, như để tiếp thêm niềm tin và nghị lực cho những gia đình có con khuyết tật trong cuộc hành trình gian nan hướng về tương lai.

Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Trưởng khoa Sức khoẻ tâm trí, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng TP. Hồ Chí Minh trò chuyện, tư vấn cho phụ huynh Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An.
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Trưởng khoa Sức khoẻ tâm trí, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng TP. Hồ Chí Minh trò chuyện, tư vấn cho phụ huynh Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An.

NGÔI NHÀ CHUNG CỦA TRẺ CHUYÊN BIỆT

“Nỗi niềm của những người mẹ ở đây cũng là của chính bản thân tôi. Cho nên, tất cả trẻ ở Trung tâm Phước An đều là con của chúng tôi. Ở ngôi nhà chung này, trẻ được tự do lựa chọn các hoạt động theo nhu cầu, sở thích cá nhân, để luôn vui vẻ, hạnh phúc và bình an”, đó là những lời chia sẻ đầy tâm huyết của bà Lan về “ngôi nhà chung” của mình.

Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An là cơ sở giáo dục chuyên biệt đầu tiên của tỉnh với chức năng tư vấn, phát hiện và can thiệp hỗ trợ cho trẻ em chậm nói, tăng động, kém tập trung, rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ… Trung tâm đón nhận trẻ các lứa tuổi từ can thiệp sớm, tiền học đường và dạy các em các kỹ năng cơ bản như tự chăm sóc, giúp việc nhà đơn giản với mong muốn hướng các em tới cuộc sống độc lập. Tại trung tâm, đội ngũ giáo viên được đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt, tâm lý, công tác xã hội… Và điều quan trọng hơn cả là những GV nơi đây luôn yêu thương và chấp nhận những sự khác biệt của mỗi đứa trẻ.

Đến thời điểm này, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An được đánh giá là cơ sở được đầu tư bài bản, hiện đại bậc nhất trên địa bàn tỉnh với các phòng chức năng tâm vận động, sân cát, nhà banh, hồ bơi, vườn rau xanh… Đây là nơi trẻ hoạt động, học tập trực quan, giúp phát triển giác quan. Hiện nay, trung tâm có 3 khối lớp: khối can thiệp sớm, khối tiền học đường và khối kỹ năng dành cho các bé không còn khả năng học văn hóa.

Thời gian qua, Trung tâm đã trở thành mái nhà chung cho những trẻ em kém may mắn, không chỉ ở TP. Vũng Tàu mà còn từ các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Nhiều phụ huynh từ các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Đất Đỏ bất kể mưa nắng, ngày nào cũng lặn lội đưa con đến Trung tâm để được hỗ trợ tiết cá nhân 1 cô/1 trò. Dù vất vả nhưng những tiến triển dù là nhỏ nhất của con cũng khiến cho niềm tin trong họ càng thêm mạnh mẽ. Từ ngôi trường này, hàng năm luôn có những đứa trẻ được trở lại các lớp học bình thường. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 7 em  được học hòa nhập. 

Con số ấy giống như những tia sáng dù nhỏ nhoi nhưng cũng khiến trái tim của những người trong cuộc thêm ấm áp. Là một cựu phụ huynh gắn bó với trường ngay từ những ngày đầu thành lập, anh Nguyễn Đình H. (trú tại TP. Vũng Tàu) chia sẻ, sau nhiều năm theo học tại trường, con trai anh, vốn là trẻ tự kỷ đã hòa nhập với trường học bình thường. Đó là một kỳ tích mà trước đây vợ chồng anh chưa bao giờ dám mơ tới. “Tôi tin tưởng ngôi trường này sẽ góp phần giúp thêm nhiều trẻ không may mắn vượt qua số phận để bước vào đời”, anh H. xúc động nói.

Bà Lê Thị Chính Lan cho biết thêm, bên cạnh việc can thiệp, giáo dục tại trung tâm, Trung tâm còn kết nối, gắn kết gia đình của các bé tự kỷ, tạo thành một mạng lưới song hành để việc chăm sóc giáo dục trẻ được tốt hơn. Mạng lưới này đã hỗ trợ phụ huynh mới phát hiện con có bệnh, nâng đỡ về tinh thần, hướng dẫn về chuyên môn. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với các bệnh viện uy tín, mời bác sĩ chuyên khoa về trò chuyện, tư vấn để những người làm cha mẹ có thể đồng hành cùng con ngay chính tại gia đình mình.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

;
.