Cuối năm 1964, bộ đội chủ lực Miền Đông cùng nhân dân Bà Rịa-Vũng Tàu hạ quyết tâm mở chiến dịch tấn công Ấp chiến lược Bình Giã. Chiến dịch Bình Giã diễn ra trên một khu vực rộng lớn ở Đông Nam Bộ, nhưng các trận đánh quyết định đều trên địa bàn xã Bình Giã, nay thuộc huyện Châu Đức.
Tượng đài chiến thắng Bình Giã. |
Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi đã đưa cách mạng miền Nam bước sang giai đoạn mới. Cuối năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời, phong trào đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang giành thắng lợi trên nhiều địa bàn. Chính sách đàn áp khủng bố, tiêu diệt những người cộng sản và phong trào cách mạng của chính quyền Mỹ ngụy hoàn toàn thất bại.
Đầu năm 1961, John F.Kennedy nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ. Sau khi nghiên cứu thực tiễn ở miền Nam, đế quốc Mỹ quyết định tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, tăng cường viện trợ vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh, kết hợp sự hỗ trợ của cố vấn Mỹ, tiếp tục càn quét khủng bố, thực hiện chương trình bình định, với mục tiêu giành đất, giành dân, tiêu diệt lực lượng vũ trang và căn cứ cách mạng, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam.
Miền Đông Nam Bộ được coi là địa bàn trọng tâm của chương trình bình định. Mỹ ngụy âm mưu xây dựng Ấp chiến lược Bình Giã ở tỉnh Phước Tuy (huyện Châu Đức, tỉnh BR-VT hiện nay) thành ấp chiến lược kiểu mẫu ở Đông Nam Bộ. Xã Bình Giã nằm trên hương lộ 327 nối với lộ 2, cách Sài Gòn 70km về phía Đông, cách Bà Rịa khoảng 18km về phía Bắc. Vào thời điểm diễn ra chiến dịch, xã có 3 ấp: Vinh Châu, Vinh Hà và Vinh Trung, dân số khoảng 6.000 người. Toàn bộ xã Bình Giã bị địch quây thành một ấp chiến lược, có hầm hào giao thông, ô ụ chiến đấu. Xung quanh ấp chiến lược là hàng rào kẽm gai kiên cố, kết hợp bãi chông, bãi mìn. Bên ngoài các bờ hào là những bụi tre gai dày đặc.
Lực lượng địch tại Ấp chiến lược Bình Giã bao gồm bộ máy tề ngụy ác ôn và 147 dân vệ, trang bị một số loại súng ống. Lực lượng chiến đấu có 108 tên. Ngoài ra, địch còn bố trí Đại đội 2, thuộc Tiểu đoàn 38 biệt động quân đóng dã ngoại cạnh Ấp chiến lược Bình Giã sẵn sàng hỗ trợ khi bị tấn công. Với hệ thống phòng thủ kiên cố, chính quyền Sài Gòn huênh hoang tuyên bố: “Bình Giã là pháo đài chống cộng bất khả xâm phạm của tỉnh Phước Tuy”.
Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự Miền Đông Nam Bộ xác định, Ấp chiến lược Bình Giã nằm ở vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị cũng như quân sự, là mắt xích trong hệ thống phòng thủ của Mỹ ngụy ở phía Đông Sài Gòn. Sau nhiều lần nghiên cứu thực địa, được sự chấp thuận của Quân ủy Trung ương, cuối năm 1964, Bộ Chỉ huy Quân sự Miền Đông quyết định mở chiến dịch Bình Giã.
Phương thức tác chiến chủ yếu là đánh địch ngoài công sự, vận dụng linh hoạt các chiến thuật phục kích, tập kích, vận động tiến công, đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” trên quy mô chiến dịch. Để chuẩn bị cho chiến dịch, Tỉnh ủy Bà Rịa khẩn trương triển khai các mặt công tác phục vụ chiến dịch và phối hợp tác chiến. Tỉnh ủy xác định, nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh là bảo đảm công tác hậu cần, cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ chiến dịch; làm tốt công tác giao thông liên lạc, dẫn đường và chuẩn bị địa bàn để bộ đội bí mật ém quân; thành lập các đơn vị dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho chiến dịch, Tỉnh ủy đã thành lập hội đồng cung cấp. Ông Lê Minh Hà, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Chủ tịch Hội đồng. Phương châm hoạt động của Hội đồng cung cấp là vận động nhân dân địa phương ủng hộ lương thực, thực phẩm, giải quyết hậu cần tại chỗ cho chiến dịch.
Trong vòng 2 tháng, toàn tỉnh đã thu mua được gần 357 tấn gạo và hàng chục tấn thực phẩm, thuốc men, đủ sức cung cấp cho các đơn vị bộ đội tham gia chiến dịch. Các xã Hòa Long, Long Phước, Long Tân và khu vực đồn điền cao su Bình Ba, Xà Bang, Xuân Sơn, Sông Cầu... huy động được hàng ngàn dân công hỏa tuyến và các phương tiện vận tải thô sơ phục vụ chiến dịch. Song song đó, Bệnh xá tỉnh Bà Rịa được tăng cường một đội phẫu thuật của quân y Miền để tổ chức thành bệnh viện dã chiến mamg phiên hiệu K76B, đặt tại phía tây lộ 2, hỗ trợ cho bệnh viện K76A của Miền Đông ở xã Bình Châu để cứu chữa thương binh.
Tại căn cứ Hắc Dịch, Châu Pha, đồng bào các dân tộc đã chuẩn bị sẵn hầm hào để các đơn vị bộ đội tham gia chiến dịch ém quân và cất giấu vũ khí.
(Còn nữa)
TRẦN BÌNH
(*) Bài viết có tham khảo tư liệu trong một số cuốn sách như: Lịch sử Đảng bộ tỉnh BR-VT, Lịch sử Đảng bộ Miền Đông Nam Bộ, Lịch sử Tiểu đoàn 445, Lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh BR-VT và một số tư liệu báo chí phương Tây…