Sau gần 30 năm sinh sống tại BR-VT, nhạc sĩ Hoàng Lương (Hoàng Đình Lương, SN 1957) đã xem vùng đất này là quê hương thứ hai, được ông yêu thương và gửi gắm qua hàng trăm ca khúc. Trong đó, bài hát “Xuân phố biển” là nhạc phẩm dạt dào tình yêu với thành phố biển Vũng Tàu xinh đẹp, được công chúng yêu thích.
Nhạc sĩ Hoàng Lương. |
Năm nay, nhạc sĩ Hoàng Lương đã 63 tuổi, nhưng trông ông còn rất lãng tử và phong độ. Dáng người đậm, chắc, mái tóc bồng bềnh dài phủ vai, đặc biệt là bộ ria mép dày, trắng bạc được chăm chút, “nuôi dưỡng” nhiều năm qua, là ấn tượng khó quên nếu ai đã từng gặp ông.
Nhạc sĩ Hoàng Lương cho biết, quê gốc ở Hải Dương, nhưng ông lại được sinh ra và lớn lên ở TP. Đà Nẵng. Mẹ ông cũng như những người phụ nữ Việt Nam khác, dịu dàng, đôn hậu, suốt đời tần tảo, vất vả chăm lo chồng, con. Hình ảnh này mãi theo ông, hiện diện trong nhiều sáng tác của mình, nhất là những ca khúc có nội dung về quê hương, về người mẹ… Cha ông là thầy giáo dạy học, chơi kèn rất giỏi. Thời niên thiếu, tiếng kèn của cha đã thấm vào ông, nuôi dưỡng một tình yêu âm nhạc để ông trở thành nhạc sĩ tài ba sau này.
Sau năm 1975, ông cùng gia đình về sinh sống ở Sóc Trăng. Bắt đầu từ đó, giấc mơ âm nhạc đã trở thành hiện thực. “Tôi không có điều kiện để được học nhạc trong Nhạc viện hay trường Quốc gia âm nhạc như những người khác. Mà chỉ có thời gian học nhạc trong Nhà dòng với các thầy là nhạc sĩ Hùng Lân, Thế Bảo, Trần Quang Huy…”, nhạc sĩ Hoàng Lương chia sẻ.
Cuối năm 1983, ông vào làm việc tại Công ty Cao su Đồng Nai, góp công sức vào Đội Văn nghệ bán chuyên của công ty để biểu diễn phục vụ công nhân các nông trường cao su, tham dự hội thi, hội diễn ngành cao su, khu vực và toàn quốc. Đến năm 1992, ông chuyển về công tác tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật BR-VT. Ngay năm đầu tiên đặt chân đến Vũng Tàu - thành phố biển, dầu xinh đẹp, cảm xúc dâng trào khiến ông tự nhủ phải có một “món quà” chào đất mới. Vậy là nhạc phẩm “Xuân phố biển” ra đời, với ca từ dạt dào yêu thương trên nền nhạc Disco sôi động đang thịnh hành lúc bấy giờ, được nhiều ca sĩ trình bày khá thành công:
Mùa xuân về trên biển, lung linh ánh mặt trời/Mây nghiêng giàn khoan đợi, chờ xuân thay áo mới…/Sóng lấp lánh biếc như ngàn ánh sao/Mênh mông xanh những con tàu xa khơi/Sẽ giữ mãi mãi mối tình đắm say/Như sóng hát mãi bên bờ vỗ về.
Một số giải thưởng tiêu biểu của nhạc sĩ Hoàng Lương: Giải Ba toàn quốc ca khúc “Phong lan và nỗi nhớ” năm 2000 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng tổ chức; Giải B hợp xướng “Màu xanh Côn Đảo” giải thưởng VHNT tỉnh BR-VT năm 2004; Giải Ba ca khúc thiếu nhi “Ước mơ trăng” năm 2004 của Ủy ban Liên hiệp các Hội VHNT toàn quốc; Giải Ba “Có những con đường” Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2007; Giải Nhì “Con đường từ đáy đại dương” Tập đoàn Dầu khí Quốc gia năm 2009; Giải Nhất “Búp sen hồng” Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2010; Giải Nhất “Hợp xướng A Cappella” Hội Nhạc sĩ VN năm 2015; Giải B “Ánh trăng nhà giàn” Liên hoan âm nhạc TP. Hồ Chí Minh tháng 9/2019… |
Năm 1997, ông được bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Trung tâm. Cũng chính từ đây, với số tác phẩm và thành tích cống hiến cho âm nhạc, ông được kết nạp hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1998. Năm 2000, do hoàn cảnh gia đình, nhạc sĩ Hoàng Lương xin thôi công tác. Nhưng tình yêu âm nhạc không hề phai nhạt, từ đó đến nay, ông vẫn sáng tác đều đặn, dạy nhạc, tổ chức các CLB âm nhạc giới thiệu tác giả, tác phẩm, tham gia ban giám khảo rất nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ các cấp.
Đến nay “gia tài” của nhạc sĩ Hoàng Lương có đến hơn 500 tác phẩm các loại, nhiều nhất là những ca khúc viết về tình đất, tình người BR-VT được công chúng yêu thích. Trong đó, ca khúc “Xuân phố biển” đạt Huy chương Vàng Liên hoan Tiếng hát Miền Đông năm 1992; được Đài PT-TH tỉnh lấy làm nhạc giới thiệu, nhạc kết thúc chương trình phát sóng hàng đêm trong nhiều năm. Ngoài ra, tác phẩm “Người con gái Đất Đỏ” do biên đạo Hòa Hiếu dàn dựng đã trở thành tiết mục “đinh” cho các ngành, các cấp ở tỉnh BR-VT khi tham gia các hội diễn, liên hoan nghệ thuật khu vực và toàn quốc đều đạt thứ hạng cao.
GIA BẢO