Khám phá sự đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Côn Đảo

Thứ Hai, 30/03/2020, 21:49 [GMT+7]
In bài này
.

Nằm ở phía Đông Nam tỉnh BR-VT, Vườn Quốc gia Côn Đảo (VQGCĐ) trong khu vực quần đảo Côn Sơn có gần 6.000ha trên cạn và 14.000ha đất ngập nước cùng các hệ sinh thái: Rạn san hô, rừng ngập mặn, cỏ biển... được bảo tồn khá nguyên vẹn. Vùng nước nông ven đảo cũng là nơi phân bố nhiều loài động vật quý, như: rùa biển, cá heo, bò biển (dugong)...

Lực lượng kiểm lâm VQGCĐ thả 2 cá thể rùa quý hiếm về tự nhiên tại khu vực biển Vịnh Đầm Tre (huyện Côn Đảo).
Lực lượng kiểm lâm VQGCĐ thả 2 cá thể rùa quý hiếm về tự nhiên tại khu vực biển Vịnh Đầm Tre (huyện Côn Đảo).

Năm 1993, VQGCĐ được thành lập theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/3/1993 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay VQGCĐ đã phát triển, xứng đáng với chức năng, nhiệm vụ của một đơn vị quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, biển, bảo tồn đa dạng sinh học, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo nói riêng và tỉnh BR-VT nói chung và đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của cả nước.

Theo ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc VQGCĐ, nơi đây có thảm thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, từ những loài sống trên cạn đến những loài sống dưới nước, hơn 370 loài thân gỗ, hơn 100 loài cây dây leo, hơn 200 loài thảo mộc có lợi, cùng với 30 loại hoa phong lan khác nhau phân bố rải rác trên đảo. Tài nguyên thực vật rừng đã thống kê, xác định 1.077 loài thực vật bậc cao, trong đó có 44 loài được tìm thấy ở Côn Đảo lần đầu tiên và 11 loài được các nhà khoa học lấy tên Côn Sơn đặt cho, như: dầu Côn Sơn, bui Côn Sơn, đọt dành Côn Sơn,... Hệ động vật rừng có 160 loài, trong đó 29 loài thú, 85 loài chim, 38 loài bò sát và 8 loài ếch. Có 3 loài động vật đặc hữu của Côn Đảo là: sóc đen, thạch sùng và khỉ đuôi dài. Tài nguyên đa dạng sinh học biển rất phong phú, đa dạng, với 1.725 loài sinh vật biển. Sự cách ly về địa lý là yếu tố tạo nên sự đa dạng về các hệ sinh thái, phong phú về thành phần loài và tính đặc hữu cao tại Côn Đảo. 

Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo thả rùa con về tự nhiên tại hòn Bảy Cạnh (huyện Côn Đảo).
Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo thả rùa con về tự nhiên tại hòn Bảy Cạnh (huyện Côn Đảo).

Về đa dạng sinh thái, vùng nước nông Côn Đảo có cả rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn. Trong đó, rạn san hô quần cư là khá phổ biến, có thể tìm thấy ở hầu hết vùng ven đảo. Cỏ biển tuy không phân bố rộng nhưng tập trung trên diện tích lớn, khoảng trên 200ha. Đa dạng sinh thái tạo điều kiện cho sự phát triển của các loài sinh vật quý hiếm. 

Hiện nay, Côn Đảo là vùng có nhiều rùa biển nhất ở Việt Nam, với 2 loài thường gặp là đồi mồi và tráng đông. Có 17 bãi cát được ghi nhận là bãi đẻ của rùa, trong đó có đến 4 bãi được ghi nhận là có 1.000 rùa mẹ lên đẻ hàng năm. Côn Đảo cũng là nơi duy nhất ở Việt Nam còn tồn tại một quần thể bò biển (dugong) có cuộc sống không tách rời các thảm cỏ biển.

Từ năm 1995 đến nay, thực hiện dự án Cứu hộ rùa biển do Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) hỗ trợ, VQGCĐ đã cứu hộ hơn 21.000 tổ trứng rùa biển, có 1,5 triệu rùa con đã nở và thả về biển, tỷ lệ trứng nở trên 80%, đeo thẻ theo dõi đặc tính sinh học hơn 2.000 cá thể rùa trưởng thành. Năm 2009, VQGCĐ được Trung tâm sách kỷ lục quốc gia Việt Nam xác lập kỷ lục là nơi ấp thả về thiên nhiên nhiều rùa biển nhất Việt Nam; xác lập kỷ lục là nơi duy nhất ở tỉnh BR-VT có đầy đủ các dạng sinh thái.

Với tiềm năng đa dạng sinh học cao, VQGCĐ được ngân hàng thế giới đưa vào danh sách các vùng ưu tiên cao nhất trong hệ thống các khu bảo tồn biển toàn cầu. Năm 2013, Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận VQGCĐ là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế thứ 2.203 của thế giới và Khu Ramsar thứ 6 của Việt Nam, thỏa mãn 5 tiêu chí theo công ước Ramsar, gồm: mẫu chuẩn về sự độc đáo, hiếm và đại diện cho một kiểu đất ngập nước tự nhiên ở vùng biển phía Đông - Nam của Việt Nam và của khu vực; là nơi phân bố của các loài cực kỳ nguy cấp và các quần xã sinh thái đang bị đe dọa; đóng vai trò hỗ trợ cho các loài động, thực vật có ý nghĩa trong việc duy trì đa dạng sinh học quan trọng tại Việt Nam và của khu vực; hỗ trợ cho các loài động, thực vật đang trong giai đoạn quyết định vòng đời, là nơi trú ẩn cho các loài này khi chúng gặp điều kiện nguy hiểm; là nơi cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho các loài động vật thủy sinh, là nơi sinh sản, nuôi dưỡng và đường di cư mà nhờ đó các loài động vật này có thể sinh sôi, nảy nở tại khu vực biển phía Đông - Nam của Việt Nam và của khu vực.

MAI NGỌC

 
;
.