Đình thần Phước Lễ (TP.Bà Rịa) được xây dựng đã hơn 200 năm. Nơi đây lưu giữ giá trị lịch sử lâu đời của vùng đất Bà Rịa, là ngôi đình duy nhất của tỉnh thờ kính 2 vị danh nhân nổi tiếng của dân tộc Việt. Đây cũng là địa chỉ văn hóa tâm linh, sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương.
Bên trong gian chính điện thờ Thành hoàng Bổn cảnh Nguyễn Thiếp. |
Ông Phan Văn Mười, Trưởng Ban tế tự đình thần Phước Lễ cho biết, đình thần là một quần thể kiến trúc kết hợp xưa và nay, được xây dựng trên diện tích gần 2ha, hiện tọa lạc tại khu phố 3, phường Phước Trung, TP.Bà Rịa.
Theo lời kể của các vị cao niên ở đây, đình Phước Lễ được xây dựng hơn 200 năm về trước tại khu Lò Than hẻo lánh của làng Phước Lễ. Cũng theo lời kể, việc xây dựng ngôi đình thời ấy và việc cắt đặt cúng tế, thờ phượng sau này đều do dòng họ Lê - tức cao tổ của ông Lê Thành Duy đảm trách. Đình được xây dựng hoàn toàn bằng các loại gỗ quý, các đầu kèo, cột chạm hoa văn hình rồng, phượng, nền thấp và mái lợp ngói âm dương, quy mô đình rất rộng, đẹp đẽ với các họa tiết được chạm khắc công phu. Đình được xây dựng theo lối cổ kính, mái vòm cong tự nhiên mang đậm nét kiến trúc đình chùa đặc trưng của người Việt. Trong đình thờ kính 2 vị danh nhân: La Sơn Phu Tử - Nguyễn Thiếp và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương - Trần Quốc Tuấn.
La Sơn Phu Tử - Nguyễn Thiếp (1723-1804) tự Khải Xuyên, biệt hiệu Hạnh Am. Năm 1743, ông thi Hương đậu nhất bảng. Năm 1756, ông được bổ nhiệm làm quan tri huyện Thanh Chương, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Năm 1768, do bất mãn với chế độ phong kiến đàng ngoài, ông xin từ quan về ở ẩn ở núi Thiên Nhẫn. Cuối đời vua Lê Hiến Tôn, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ trong một lần ra Bắc, nhiều lần cử người mang lễ vật tới nhà mời ông tham chính, giúp vua xây dựng đất nước. Năm 1792, niên hiệu Quang Trung thứ 5, Nguyễn Thiếp được cử làm Viện trưởng Sùng chính thư viện, phụ trách chỉnh đốn việc học trong nước. Nguyễn Thiếp là người có công rất lớn trong nền giáo dục của đất nước, ông đã giúp vua Quang Trung phiên dịch các kinh, truyện của thánh hiền sang chữ Nôm để phổ biến cho các sĩ tử thời ấy học hành. Sau khi vua Quang Trung mất, ông xin trả ấn từ quan, lui về ở ẩn trên núi Bùi Phong. Vào thế kỷ XVIII, vua Tự Đức đã ban sắc phong cho ông là: “Thành Hoàng báo ân chính trực Nguyễn Thiếp đôn nghinh tôn thần. Thần Hoàng bảo vệ lê dân”.
Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương - Trần Quốc Tuấn là một vị Anh hùng dân tộc. Người đã lãnh đạo quân dân nhà Trần 3 lần đánh đuổi quân Nguyên Mông, bảo vệ bờ cõi. Ông là người có tài thao lược, trí dũng song toàn, luôn đặt lợi ích của dân tộc, của nước nhà lên trên hết. Ông có những tác phẩm nổi tiếng như: “Binh thư yếu lược”, “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”, “Hịch tướng sĩ”... Những tác phẩm này đã khơi dậy lòng yêu nước của quân dân ta, khích lệ tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm và đặt nền móng cho nghệ thuật quân sự Việt Nam đến tận ngày nay. Với những công lao to lớn đối với đất nước, đạo đức rạng ngời, uy phong đĩnh đạc như thần, người dân Việt từ lâu đã suy tôn Hưng Đạo đại vương - Trần Quốc Tuấn là Đức Thánh Trần.
Cổng chính của đình thần Phước Lễ. Ảnh: NGỌC BÍCH |
Với việc thờ kính một vị thần là danh sĩ nổi tiếng, một vị thánh là danh tướng sự nghiệp lẫy lừng, đình Phước Lễ thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Vào các năm 1956-1959, đình thần Phước Lễ được xây dựng lại với kiến trúc hiện đại, bề thế, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính ban đầu và lưu giữ đến ngày nay. Đình thần Phước Lễ được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, gồm cổng nghi môn, võ ca (sân khấu), chánh điện, nhà khách và nhà bếp. Trong chánh điện, phía trước thờ tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo đúc bằng thạch cao, chính giữa điện thờ Thành hoàng Bổn cảnh Nguyễn Thiếp. Hai bên tả ban và hữu ban, thờ những bậc tiền nhân.
Mỗi năm, đình thần Phước Lễ đều tổ chức nhiều lễ hội tính theo Âm lịch như: ngày 10 tháng Giêng cúng Xuân thủ, ngày 21 tháng Hai lễ Cầu an Thủy Long Thánh Mẫu, ngày 11 tháng Năm cúng vía Thành Hoàng và Tiền hiền, ngày 20 tháng Tám cúng vía Đức thánh Trần Hưng Đạo, ngày 25 tháng Chạp lễ Sắp ấn. Trong đó, lễ hội Cầu an tại đình thần Phước Lễ vào các ngày 8, 9 và 10 tháng Mười một được tổ chức công phu và hoành tráng nhất. “Các lễ hội tại đình thần Phước Lễ tổ chức hàng năm là nét văn hóa, lịch sử tâm linh đặc trưng của người dân Bà Rịa lưu truyền hơn 200 năm qua. Tháng 8/2019, UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận đình thần Phước Lễ là di tích lịch sử cấp tỉnh”, ông Phan Văn Mười cho hay.
Bài, ảnh: MAI HOA