Chuyện về Hòn Bà và miếu Cậu ở Côn Đảo

Chủ Nhật, 15/03/2020, 20:34 [GMT+7]
In bài này
.

Hòn Bà là 1 trong 16 hòn đảo thuộc huyện Côn Đảo. Đến Côn Đảo bằng đường thủy, bạn sẽ cập bến tại cảng Bến Đầm (còn có tên gọi khác là Vũng Đầm, thuộc vịnh Bến Đầm, nằm ở phía Tây Nam, cách trung tâm thị trấn 15km). Từ Bến Đầm, bạn sẽ nhìn thấy hòn đảo này. 

Đỉnh tình yêu, đảo Hòn Bà (huyện Côn Đảo).
Đỉnh tình yêu, đảo Hòn Bà (huyện Côn Đảo).

Trải qua hàng thế kỷ, người dân huyện đảo vẫn lưu truyền truyền thuyết về bà Phi Yến và hoàng tử Hội An. Theo đó, vào khoảng cuối năm 1783, lần thứ 2 chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu ra Côn Lôn (tức Côn Đảo ngày nay) để tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Vì thất bại liên miên nên chúa Nguyễn Ánh có ý định đưa hoàng tử Hội An (hoàng tử Cải) sang Pháp làm con tin để cầu viện binh. Bà Phi Yến, vợ chúa Nguyễn Ánh không đồng ý nên có lời can rằng: “Việc đánh nhau với anh em nhà Nguyễn Huệ ta có thể coi đó như việc trong nhà, chúa công nên dùng nghĩa binh trong xứ là hơn. Nếu đem sức mạnh của ngoại bang về để giải quyết vấn đề nội bộ, dù có thắng được Tây Sơn, thì cái thắng ấy cũng chẳng vẻ vang gì, thiếp e có lắm điều bất tiện về sau”… Chỉ vì mấy lời khuyên can thẳng thắn ấy mà Nguyễn Ánh hoài nghi bà Phi Yến có ẩn ý thông đồng với giặc, bèn truyền lệnh chém đầu. Các quan can gián hết lời, bà Phi Yến mới được tha tội chết. Tuy nhiên, bà bị giam vào một hang đá trong một ngọn núi trên hòn đảo gần đảo Côn Sơn. Từ đó, nhân dân trên đảo gọi là đảo Hòn Bà. 

Còn Hoàng tử Hội An thấy mẹ bị giam cầm oan ức, kêu gào khóc lóc đòi cha cho được ở cùng mẹ. Nguyễn Ánh chẳng động lòng, lại còn coi hoàng tử như một mối loạn về sau, bèn ra lệnh ném con xuống biển. Thi thể hoàng tử trôi dạt vào bãi Đầm Trầu. Dân làng Cỏ Ống vớt lên an táng trọng thể và hàng năm cúng bái để tỏ lòng sùng kính. Hiện nay, ngôi mộ và miếu Cậu thờ hoàng tử vẫn còn ở làng Cỏ Ống. 

Thời gian bị giam trong hang đá, bà Phi Yến đã được con vượn bạch nuôi sống bằng trái cây rừng. Sau khi bị quân Tây Sơn kéo đến vây đánh, Nguyễn Ánh bỏ Côn Lôn lên thuyền ra đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Nhờ đó, bà Phi Yến thoát chết. Bà được vượn bạch cùng hắc hổ đưa ra khỏi hang, trở về làng Cỏ Ống. Bà nhờ dân làng dựng một gian nhà, bên cạnh mộ Cậu để được gần gũi người con đã mất. Vì vậy, người Côn Đảo còn lưu truyền câu ca dao:

Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay

(Chữ cải ở đây chỉ tên của hoàng tử Cải tức hoàng tử Hội An, còn răm là tên tục của bà Phi Yến). Tục truyền, chiều chiều bà Phi Yến hay dạo chơi ở bãi Đầm Trầu - một bãi biển nằm ở phía Tây làng Cỏ Ống để khuây khỏa nỗi buồn khôn nguôi. Bà có làm bài thơ để tỏ lòng xót xa về thân phận của mình:

Đốt nén hương, thề tạ chúa công

Can vua nên nỗi tội thông đồng

Ngôi vàng một thuở ngồi chưa vững

Bia đá nghìn năm vết dấu mòn

Máu chảy ruột mềm đau tại thiếp

Nồi da xáo thịt thỏa tình ông

Sông sầu núi thảm hoa mờ lệ 

Đã khóc cho con, lại khóc chồng.

Ở Côn Đảo hiện nay vẫn còn những địa danh gắn liền với tên bà Phi Yến: Hòn Bà (tên gọi khác của đảo Côn Sơn nhỏ), miếu bà Phi Yến (còn gọi là An Sơn miếu) - nơi thờ phụng bà Phi Yến, đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh từ năm 2007. Hàng năm, vào ngày 17, 18 tháng 10 âm lịch, người dân Côn Đảo tổ chức Lễ giỗ Bà tại An Sơn miếu. Dịp này, bài vị của hoàng tử Cải ở miếu Cậu cũng được tổ chức lễ rước về An Sơn miếu hội ngộ cùng với mẫu thân. 

Ngoài phần lễ với nghi thức tế lễ trang trọng, dâng Bà những sản vật của địa phương, người dân Côn Đảo còn thành tâm cầu nguyện những điều tốt lành, mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc. Phần hội với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian, đờn ca tài tử, đặc biệt là tiết mục sân khấu hóa tái hiện lại cuộc đời gian truân, tiết hạnh của bà Phi Yến. 

NGUYỄN VĂN TÂM

 
;
.