Điều ít biết về hồ nước Bàu Thành ngàn năm tuổi - Kỳ 2: Điểm đến hoài cổ và sinh hoạt cộng đồng

Thứ Hai, 06/01/2020, 20:02 [GMT+7]
In bài này
.

Theo sử sách, Bàu Thành xưa kia là đồn lũy quân sự, ghi dấu nơi luyện tập đội tượng binh của quốc vương Chân Lạp. Hiện nay, Bàu Thành được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, được đầu tư xây dựng thành 1 địa điểm du lịch sinh thái cho du khách gần xa tìm đến tham quan tìm hiểu lịch sử, vui chơi thư giãn với các mô hình sinh hoạt cộng đồng.

Khu di tích lịch sử văn hóa Bàu Thành là điểm đến ưa thích của các bạn trẻ dịp cuối tuần.
Khu di tích lịch sử văn hóa Bàu Thành là điểm đến ưa thích của các bạn trẻ dịp cuối tuần.

Bàu Thành còn có tên gọi khác là Dục Tượng trì, bởi có nghiên cứu cho rằng, xưa kia đây là công trình được đào đắp làm nơi chứa nước để cho đàn voi chiến của nhà vua Chân Lạp luyện tập, uống nước và tắm. Nghiên cứu này phù hợp với câu chuyện lưu truyền trong dân gian về Dục Tượng trì là có cơ sở. Sự kiện đó diễn ra vào nửa cuối thế kỷ XVII (năm 1674), cách nay 346 năm.

Theo sách Gia Định thành thông chí (của Trịnh Hoài Đức - tước quan Lại bộ Thượng thư kiêm Binh bộ Thượng thư triều Nguyễn) có viết: Lũy Phước Tứ ở phía Đông trạm Hương Phước, ngay đường cái quan. Trước kia, chính vương Cao Miên là Sô đóng ở thành Vũng Long, phó vương là Nộn đóng ở thành Sài Gòn. Con trai trưởng Sô là Bô Tâm vì không được làm vua, giết cha là Sô mà tự lập. Thế Nộn nguy bách, chạy sang dinh Thái Khang. Bô Tâm bèn tiến đánh Sài Gòn, đắp lũy đất ở đầu Mô Xoài, ngoài trồng tre gai, lại thêm binh và voi để phụ giữ, thế rất vững vàng... Tháng giêng, năm Giáp Dần (1674), Chúa Nguyễn sai tướng dinh Thái Khang là Nguyễn Dương đem quân đi đánh lũy Phước Tứ. “Dục Tượng trì tục gọi là Bàu Thành ở phía bắc lũy Phước Tứ, tổng Phước Hưng, huyện Phước An, trước là chỗ Bô Tâm nước Cao Miên đóng quân cho voi tắm, chung quanh đắp đê đất. Nay thành cũ vẫn còn”, sách Gia Định thành thông chí đã ghi.  

Khu vực câu cá giải trí trong khuôn viên di tích Bàu Thành, phục vụ khách đến tham quan.
Khu vực câu cá giải trí trong khuôn viên di tích Bàu Thành, phục vụ khách đến tham quan.

Để Bàu Thành được lưu giữ với những giá trị, ý nghĩa lịch sử văn hóa ngàn năm tuổi (Bàu Thành được người Chân Lạp xây dựng vào thế kỷ X-XI), năm 2016, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 1156/QĐ-UBND công nhận và xếp hạng Bàu Thành là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Theo đó, di tích Bàu Thành cùng các di tích khác như: Đình Long Phượng (TT.Long Điền), đình Hắc Lăng, chùa Thiên Thai (xã Tam Phước), chùa Long Hòa (xã An Ngãi)… đã tạo nên một quần thể di tích cùng với những danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Long Điền. Hiện nay, khu di tích Bàu Thành không chỉ là nơi để du khách có tâm hồn hoài cổ tìm đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu giá trị xưa mà còn là điểm “check-in” thu hút các bạn trẻ đến vui chơi và lưu lại những bức ảnh đẹp. 

Ông Lê Ngọc Vàng, Trưởng phòng VH-TT huyện Long Điền, Phó Ban thường trực Ban quản lý các di tích của huyện cho biết, để khai thác tối đa những lợi ích mà Bàu Thành mang lại, Trung tâm VH-TT huyện Long Điền đã phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ của huyện thực hiện xây dựng một số công trình phục vụ giải trí, thư giãn trong khu vực Bàu Thành như quán cà phê, khu vực vui chơi giải trí… nhằm góp phần thu hút lượng khách đến tham quan, thư giãn và có thêm nguồn kinh phí đáp ứng việc tu bổ, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, việc xây dựng thêm các khuôn viên giải trí đều sẽ được cân nhắc và chọn lọc kỹ càng, để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến những nét đặc sắc riêng của di tích lịch sử Bàu Thành. “Thời gian tới, Trung tâm VH-TT huyện sẽ triển khai việc trồng hoa, cây cảnh xung quanh bờ hồ di tích Bàu Thành để làm đẹp cảnh quan, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân”, ông Lê Ngọc Vàng cho hay.  

Bài, ảnh: NGỌC BÍCH

 
;
.