Bàu Thành (nằm ở khu phố Long Phượng, TT.Long Điền, huyện Long Điền) là một trong những công trình thủy lợi nhân tạo lớn nhất vùng Nam bộ của người Chân Lạp xây dựng vào thế kỷ X-XI. Từ khi hình thành đến nay gần ngàn năm tuổi, trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử khai hoang mở cõi, nhưng nước trong Bàu Thành vẫn chưa bao giờ cạn.
Người dân và du khách câu cá tại Khu vực câu cá giải trí trong khuôn viên di tích Bàu Thành.. |
Từ TP.Bà Rịa theo tuyến Quốc lộ 55, đi qua TT.Long Điền khoảng 1km rẽ trái vào Trung tâm Văn hóa-Thể Thao huyện Long Điền, du khách sẽ đến một vùng nước rộng lớn gọi là Bàu Thành. Tổng diện tích toàn khu vực Bàu Thành rộng 24ha. Nằm giữa khu vực Bàu Thành là một hồ nước, có dạng hình chữ nhật trải rộng với mặt nước khoảng 5ha, xung quanh bờ khá cao, có chỗ cao nhất khoảng 5m, bờ rộng từ 20 - 25m, xung quanh bàu có lũy tre mọc dày. Phía Bắc bàu là bờ Cây Cầy, phía Đông là bờ Gò Chùa, phía Nam là bờ Bà Thông, còn bờ phía Tây vẫn gọi bờ Tây.
Bàu Thành là tên gọi mang tính dân gian truyền miệng của người Việt khi mới đến khai phá vùng đất này dùng để chỉ địa điểm đang sinh sống. Nơi có bàu nước, có bờ đất đắp cao giống như bức tường thành nên gọi ghép là Bàu Thành. Địa điểm này đã được các nhà khảo cổ khai quật, ở độ sâu 1,6m tìm thấy đồ gốm và con lăn. Những hiện vật này được đưa về Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh. Qua giám định, nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn, cho rằng hiện vật tìm thấy ở khu vực Bàu Thành mang dấu ấn nền văn hóa Óc Eo.
Ông Lê Văn Vàng, Trưởng phòng VH-TT huyện Long Điền, Phó Ban thường trực Ban quản lý các di tích của huyện cho biết: Theo các tài liệu sử học, vùng đất Bàu Thành xưa kia thuộc lãnh thổ vương quốc cổ Phù Nam. Đến thế kỷ VII (sau năm 627) thì bị sáp nhập vào lãnh thổ Chân Lạp. Thế kỷ XIII – XIV vương quốc Chân Lạp suy yếu chia làm 2 lãnh thổ: Thượng Chân Lạp và Thủy Chân Lạp. Đến thế kỷ XVII – XVIII, một phần lãnh thổ Thủy Chân Lạp trở thành một phần của lãnh thổ Việt Nam, tức Nam Bộ ngày nay.
Dấu tích Bàu Thành cổ đến nay vẫn còn rõ nét với tổng diện tích khu vực gần 20ha. Phía Đông Bắc của bàu còn dấu tích của rạch nước, con rạch này dẫn nước từ suối Ngang là một nhánh của suối Đá Nghệ về bàu. Bờ lũy phía Bắc và phía Nam chiều dài mỗi bờ còn lại khoảng 400m. Bờ lũy của bàu phía Bắc cao hơn 5m, bờ phía Nam cao hơn 7m, chân lũy rộng hơn 15m, mặt lũy nhiều đoạn rộng đến 12m và còn nhiều bụi tre gai giống như sách xưa mô tả. Xưa kia, Bàu Thành cung cấp nước tưới trên một diện tích lớn dài sang tận Bưng Bạc (hiện thuộc xã Long Phước, TP.Bà Rịa), Bưng Thơm (hiện thuộc xã Long Tân, huyện Đất Đỏ).
Từ những tư liệu lịch sử, khảo cổ học và thực tế có thể nhận định rằng, Bàu Thành được hình thành vào khoảng thời gian từ thế kỷ X đến XI. Người xưa đã biết lợi dụng địa hình nơi đất trũng và gò đất tự nhiên tạo thành bờ lũy để đào hồ chứa nước đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Nơi đây đã ghi lại dấu tích một thời nơi biên ải địa đầu trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt tiến về phương Nam. Hiện tại, vào mùa nắng nước trong bàu sâu hơn 1m, vào mùa mưa nước sâu 3 - 4m. Từ khi xây dựng cách nay hàng ngàn năm, nước Bàu Thành chưa bao giờ cạn, nên có câu: “Bao giờ Bưng Bạc hết sình/Bàu Thành hết nước thì mình hết thương!”.
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: NGỌC BÍCH