Địa đạo Kim Long - Chứng tích hào hùng đấu tranh cách mạng

Thứ Năm, 02/01/2020, 20:33 [GMT+7]
In bài này
.

Địa đạo Kim Long (thôn Tam Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) được hình thành ngay trong lòng địch chiếm đóng từ năm 1962. Địa đạo là minh chứng hùng hồn cho lòng yêu nước, ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm của quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ chiến tranh. Theo thời gian, địa đạo bị xuống cấp, hiện đang được triển khai việc trùng tu, nâng cấp trở thành một địa điểm tham quan, về nguồn cho du khách và thế hệ trẻ. 

Mô hình khu trưng bày khí tài trong chiến tranh của dự án đầu tư, tôn tạo  di tích địa đạo Kim Long.
Mô hình khu trưng bày khí tài trong chiến tranh của dự án đầu tư, tôn tạo di tích địa đạo Kim Long.

Địa đạo Kim Long được xây dựng khá độc đáo, xuyên qua nhà ở, vườn cây ăn trái của hộ dân, có tổng chiều dài 2.000m, nằm sâu trong lòng đất cách mặt đất 5m, lối đi trong địa đạo rộng 0,8m, có nhiều ngách trú ẩn, 12 miệng hầm lên xuống rất chắc chắn, kín đáo. Trong địa đạo có đầy đủ công sự chiến đấu, phòng họp, trạm y tế, kho lương thực, vũ khí… Đầu địa đạo đắp 3 ụ chiến đấu nối cách nhau theo hình tam giác, mỗi cạnh 10m, xung quanh có lỗ châu mai. Từ ụ chiến đấu thông với bên ngoài là hào công sự sâu 1,2m. Trong chiến tranh, địa đạo Kim Long được người dân ngày đêm đào và xây dựng. Nhờ có địa đạo Kim Long, bộ đội và du kích địa phương đã bám trụ để hoạt động, phát triển phong trào Cách mạng, tổ chức chống trả các đợt càn quét và gom dân của Mỹ - Diệm. 

Năm 1962, lực lượng du kích địa phương dựa vào địa đạo và địa hình đánh trả, chặn đứng nhiều cuộc càn quét quy mô lớn gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề tại khu vực lòng chảo Kim Long, bảo vệ vững chắc cơ sở cách mạng, củng cố và phát triển lực lượng du kích. Địa đạo Kim Long cũng là chứng tích lịch sử quan trọng, góp phần rất lớn vào chiến thắng Bình Giã cuối năm 1964, phá tan nhiều cuộc càn quét của Mỹ - ngụy trên địa bàn huyện Châu Đức giai đoạn 1966-1967, khẳng định tinh thần, ý chí chiến đấu dũng cảm ngoan cường một lòng theo Đảng, Bác Hồ của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. 

Địa đạo Kim Long đã được Bộ VH-TT công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27/07/1994. Theo thời gian, địa đạo Kim Long đã trải qua nhiều đợt trùng tu nhỏ, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương và du khách đến tham quan, muốn tìm hiểu một cách đầy đủ về di tích lịch sử này. Khuôn viên di tích khoảng 1.000m2 được giao cho cơ quan Nhà nước quản lý, còn lại đa số đường hầm đều nằm trên đất của các hộ dân xung quanh nên việc bảo tồn chưa được chú trọng đúng mức. 

Bà Nguyễn Thị Thảo, cán bộ Trung tâm VH-TT xã Kim Long cho biết, năm 2017, Huyện ủy, UBND huyện Châu Đức đã có chủ trương trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử địa đạo Kim Long. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án huyện xây dựng hoàn chỉnh phương án đầu tư, tu bổ và tôn tạo theo hướng dẫn của Sở VH-TT. 

Phối cảnh tổng thể địa đạo Kim Long sau khi được trùng tu, tôn tạo mở rộng trên diện tích 2ha. Ảnh: NGỌC BÍCH
Phối cảnh tổng thể địa đạo Kim Long sau khi được trùng tu, tôn tạo mở rộng trên diện tích 2ha. Ảnh: NGỌC BÍCH

Ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Châu Đức cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo tổ chức thực hiện khảo sát và lập dự án đầu tư, tôn tạo di tích địa đạo Kim Long trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, khu di tích địa đạo Kim Long sẽ được thực hiện mở rộng hơn 2ha. Dưới lòng đất, cải tạo, nâng cấp đường hầm, làm sạch bề mặt và khơi thông những nơi bị tắc ngẽn; gia cố những nơi nguy hiểm với du khách, đặt biển cảnh báo; diện tích gia cố và cải tạo đường hầm khoảng 600m2. Trên mặt đất, xây mới 7 khối công trình gồm đền thờ, nhà lưu niệm, nhà quản lý di tích 140m2, nhà chờ-căn tin 85m2, khu trưng bày tái hiện di tích, vườn thực nghiệm và một số hạng mục phụ trợ khác. 

Ngoài ra, dự án trùng tu, tôn tạo di tích địa đạo Kim Long còn thực hiện xây dựng thêm đường hầm mẫu với kích thước cao 110cm, rộng 80cm để du khách có thể thử nghiệm trước khi thực hiện hành trình khám phá thực tế đường hầm nguyên trạng trước đây. Dựng các nhóm tượng tái hiện cảnh đào hầm, xây dựng công sự chiến đấu và sự hậu thuẫn của hậu phương với tiền tuyến. Xây dựng một số vị trí để du khách có thể hòa mình vào khung cảnh chiến đấu. Tái hiện khung cảnh sinh hoạt, chiến đấu tại một số vị trí trọng yếu, kèm thuyết minh thông qua các phương tiện kỹ thuật số hiện đại. Sử dụng những vật dụng phục chế mà quân và dân trước đây sử dụng để du khách có thể hòa mình trải nghiệm. Kinh phí trùng tư, tôn tạo di tích hơn 63 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. 

“Dự án đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Dự kiến vào tháng 3/2020, sẽ trình UBND huyện phê duyệt. Sau đó sẽ tổ chức thi công trên hiện trường”, ông Nguyễn Đức Tân cho hay.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

 
;
Dịch vụ mua hộ hàng nhật giá rẻ
.