Chùa cổ Long Bàn còn gọi là chùa làng Long Điền (xưa thuộc tổng An Phú Thượng, quận Long Điền) ở thôn Long Phượng, TT.Long Điền, huyện Long Điền. Chùa tọa lạc trên một khu đất cao tương đối bằng phẳng. Trải qua gần 175 năm xây dựng chùa vẫn gần như nguyên trạng, lưu giữ những nét kiến trúc văn hóa nghệ thuật đặc sắc.
Gian giữa tòa Chánh điện chùa Long Bàn. |
Từ TP.Bà Rịa theo QL55 đến TT.Long Điền, rẽ vào đường Trần Xuân Độ đi hơn 100m là tới chùa Long Bàn. Chùa được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ 5 - năm Ất Tỵ 1845 do 2 vị hòa thượng Hải Chánh và Bảo Thanh làm trụ trì đầu tiên và được dân làng tôn làm tổ sư. Kiến trúc chùa Long Bàn nguy nga, tráng lệ với những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc mang đậm nét truyền thống độc đáo, lưu giữ văn hóa tâm linh, thờ phượng Phật pháp.
Hiện tại, sư thầy Thích Pháp Minh làm trụ trì, phụ trách các công việc bảo quản và lưu giữ những giá trị lịch sử vốn có. “Theo truyền thuyết, vùng đất Long Điền trước kia có 9 con rồng chầu. Ngôi chùa được xây dựng trên phần cuối cùng của dãy núi Thùy Vân, có nhiều tảng đá tự nhiên phẳng như bàn thạch nên dân làng đặt tên là chùa Long Bàn”, sư thầy Thích Pháp Minh diễn giải.
Ngôi chùa được xây cất theo kiểu chữ “Tam”, mang phong cách Á Đông gồm 3 lớp nhà song song là tòa Giảng đường, tòa Chánh điện, nhà Tổ. Khuôn viên chùa bằng phẳng, rộng hơn 3.000m2 với nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát. Cổng chùa được xây dựng mới năm 1963 bằng đá hoa cương. Cửa 2 bên cuốn vòm, phía trên là lầu chuông và lầu trống. Phía trên 2 trụ cổng là tấm biển có hàng chữ “Long Bàn Cổ Tự”.
Trước tòa Chánh điện của chùa có ngôi nhà sàn bằng gỗ, trong đặt tượng “Tiêu Diêu Đạo Sĩ”. Mái chùa được lợp ngói âm dương, đầu ngói có gờ viền bằng gốm men xanh. Trên đỉnh nóc chùa có gắn tượng “Lưỡng Long chầu nguyệt” và các bức tranh vẽ phong cảnh sơn thủy, hoa lá. Các kèo, cột bên trong chùa sử dụng hoàn toàn bằng gỗ tốt.
Bên trong tòa Chánh điện, ở gian giữa thờ Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni, Quan Âm, Thế Chí, Ngọc Hoàng, Di Lặc, Bồ Tát. Gian bên trái thờ vị sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma, gian bên phải thờ Quan Thánh. Ngoài ra, tại đây còn có bàn thờ La Hán và Thập điện Diêm Vương. Phía sau Chánh điện là nhà thờ Tổ, thờ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và 2 bài vị của hòa thượng Hải Chánh và hòa thượng Bảo Thanh. Tòa Giảng đường rộng 227m2, mặt trước có những câu đối khắc chìm bằng sơn đen. Phía trên 3 cửa ra vào gần sát mái là những ô trang trí, miêu tả hoa, núi và các hoạt động của con người. Đây là nơi thuyết pháp về đạo Phật, làm đàn chay cúng cô hồn, tổ chức các giờ kinh sám hối.
Chùa Long Bàn được xây theo kiểu chữ “Tam”, mang phong cách nghệ thuật kiến trúc Á Đông cổ kính. |
Đã trải qua gần 175 năm xây dựng, nhưng chùa Long Bàn vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật lâu đời quan trọng như các pho tượng Phật, Ngọc Hoàng Thượng đế, Quan Thánh đế, 18 vị La Hán, Long Thần, Hộ Pháp… bằng gỗ mít; 8 khuôn in kinh khắc chữ Hán trên gỗ; các quả chuông, trong đó có đại hồng chung bằng đồng đường kính 0,4m, cao 1,2m, niên đại hơn 150 năm.
Mỗi tháng 2 kỳ, chùa đều đặn tổ chức các giờ kinh sám hối vào mỗi buổi tối 14 và 30 Âm lịch, thu hút đông đảo phật tử từ các nơi tới tham gia. Khi tới chùa dâng hương kính Phật, mọi xô bồ thế gian hầu như đều được bỏ lại phía sau, tấm lòng mỗi người như xích lại gần nhau hơn. “Chùa Long Bàn có không gian khuôn viên bên ngoài yên bình, thanh tịnh, còn bên trong chứa đựng những giá trị đặc sắc về lịch sử-văn hóa tâm linh cổ kính. Mỗi lần đến đây, tôi cầu mong sức khỏe, cầu an cho gia đình và những người thân”, ông Phạm Minh Phước (60 tuổi, tổ 11, thôn Long Phượng, TT.Long Điền, huyện Long Điền) bày tỏ.
Chùa Long Bàn với vẻ đẹp độc đáo về kiến trúc cổ, điêu khắc nghệ thuật mang giá trị văn hóa tâm linh lâu đời, tọa lạc giữa không gian hòa quyện với thiên nhiên tươi đẹp, ngôi chùa trở thành điểm đến tín ngưỡng Phật pháp của người dân địa phương và du khách gần xa. Năm 1991, chùa cổ Long Bàn được Bộ VH-TT công nhận là di tích lịch sử - văn hóa - danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.
Bài, ảnh: NGỌC BÍCH