Nhà Lớn Long Sơn bao giờ cũng mang đến cho du khách cảm xúc về sự dung dị, đời thường. Nét đời thường ấy theo lời dì Ba Kiềm nói, Ông Trần đã dặn con cháu, bá tánh luôn hướng tới điều thiện, ăn hiền ở lành, việc gì phải thì làm, quấy thì chừa, việc gì nhà nước cấm thì đừng…
Dì Ba Kiềm và kho thóc do bá tánh từ miền Tây gửi lên. |
CHO ĐI LÀ CÒN MÃI
Những ngày này, con cháu Nhà Lớn đang đóng từng bao gạo, mỗi bao từ 10-15kg để phát cho người dân nghèo xã đảo Long Sơn. Như đã thành thông lệ, mỗi lần có lúa gạo bá tánh từ các tỉnh miền Tây gửi về, ngoài dùng cho việc đón khách và các ngày lễ vía trong năm, Nhà Lớn lại phát gạo cho người dân xã đảo, như một tập quán sẻ chia từ bao đời mà ông Trần truyền lại.
Dì Ba Kiềm dẫn chúng tôi đi xem kho lúa, vừa đi vừa kể: “Ở Long Sơn người nghèo không sợ thiếu ăn. Nhiều thì không có chứ gạo, nước tương, bột ngọt, dầu ăn lúc nào Nhà Lớn cũng có sẵn để chia sẻ cho người nghèo, thiếu ăn. Người khó nhiều thì cho theo tháng, người khó ít thì một năm cho vài lần coi như động viên họ làm ăn”.
Kho lúa, gạo rộng chừng 20m2, chất đầy bao lúa và gạo được xát sẵn. Theo lời kể của dì Bùi Thị Phú, cháu ngoại đời thứ tư của Ông Trần thì đây là gạo do ghe tàu của bá tánh ở Kiên Giang, Tiền Giang và các tỉnh miền Tây gửi lên sau vụ thu hoạch lúa Đông Xuân. “Năm nào cũng vậy, sau mùa gặt là hàng ngàn giạ lúa được phơi khô, quạt sạch gửi lên cho Nhà Lớn đặng lo cơm nước cho bá tánh về đây tham quan, kỉnh ông”, dì Phú nói.
“Nhưng câu chuyện này lại được bắt nguồn từ việc làm nhân nghĩa của Ông Trần từ năm xưa, bá tánh nhờ ơn ông nên gửi lúa gạo về”, dì Ba Kiềm tiếp lời. Đó là vào năm Giáp Thìn (1904), một trận bão lớn đã tàn phá suốt dải ven biển Nam bộ gây nên nạn lụt lội, thiệt hại lớn về nhà cửa hoa màu cho dân chúng. Lúc đó, Ông Trần xuất 7 thiên lúa (7.000 giạ lúa) cho những người thân tín mang về Gò Công, Cai Lậy, Mỹ Tho... cứu trợ và đón người bị nạn lũ lụt về Bà Trao cư trú làm ăn. Tiếng lành đồn xa, các tầng lớp nhân dân nô nức bảo nhau tới ấp Bà Trao lập nghiệp. Ông Trần thu nhận, giao đất khẩn hoang cho bất cứ ai, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn miễn là chịu tuân theo những điều răn dạy của ông. Trước làn sóng di cư ào ạt, dân số của ấp Bà Trao tăng lên nhanh chóng. Cư dân theo Ông Trần cư trú thành tập đoàn quần tụ trong khu vực phía Đông Núi Nứa. Họ xây dựng nhà cửa theo những lớp vành khăn ôm lấy chân núi và có quan hệ thân thuộc với nhau.
Các dì ở Nhà Lớn chuẩn bị gạo phát cho người dân nghèo xã Long Sơn. |
TIẾNG THƠM VANG VỌNG
Theo lời kể của các cụ già ở Long Sơn, Ông Trần đối xử với dân bình đẳng và khiêm nhường. Ông tự xưng là “người này”, gọi người khác là “người lớn” hoặc người nhỏ” tuỳ theo tuổi tác của họ. Buổi tối sau những giờ lao động mệt nhọc, khi việc nhà đã được lo liệu xong, ông thường tập trung dân tại nhà thánh để nghe đọc truyện hoặc kể truyện về những gương trung hiếu, tiết nghĩa. Mỗi khi nghe xong một câu chuyện, Ông Trần thường cắt nghĩa cặn kẽ cho người nghe. Những buổi tập trung sinh hoạt văn hóa tại nhà thánh còn là dịp để Ông Trần đứng ra phân xử, hòa giải những mâu thuẫn, va chạm xích mích của người dân theo ông. Đồng thời ông khuyên bảo họ ăn hiền ở lành, làm việc thiện, tránh việc ác khơi gợi cho họ lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Giữ gìn những phong tục tập quán của cha ông, không hợp tác với thực dân xâm lược. Ông Trần còn làm thuốc để chữa trị bệnh cho dân rất được tín nhiệm. Những người từ nơi khác đến đều được ông thu nhận, cho ở trong những đãy nhà dành cho bá tánh (dãy phố) và khoanh đất, cấp dụng cụ, vốn liếng cho họ làm ăn trong vài ba năm. Chừng nào đã đủ sống thì cất nhà ra ở riêng. Mọi người dân theo ông đều sinh hoạt bình đẳng, không phân chia ngôi thứ, tầng lớp. Họ sống tự giác và hòa thuận theo những qui ước chung do ông Trần đặt ra.
“Sinh thời, Ông Trần chỉ phát huy cái hay cái đẹp của đạo Tứ ân hiếu nghĩa, không theo hình thức cư sĩ, không cần ly gia cắt ái, không quan tâm đến giáo lý mà chú tâm đến việc thờ cúng ông bà tổ tiên, lấy việc tu nhân làm nền tảng, không ép buộc ăn chay, không có mê tín dị đoan. Tức đạo Ông Trần là đạo làm người. Ông Trần thường dạy về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trung, hiếu, cứ thế mà truyền đời, nên được tôn sùng như một tôn giáo”, cụ Võ Văn Giót, 82 tuổi – một hương chức Nhà Lớn nói thêm.
Trong không khí rộn ràng chuẩn bị đón đoàn khách từ Tây Ninh tới, bất chợt chúng tôi hình dung rõ nét hơn, cụ thể hơn về lời của dì Ba Kiềm khi nói rằng, Nhà Lớn là một cộng đồng tín ngưỡng hướng tới điều thiện, ăn hiền ở lành, việc gì phải thì làm, quấy thì chừa, việc gì nhà nước cấm thì đừng…
SONG THẢO