Miếu Bà Ngũ Hành nằm cạnh Khu di tích Đình thần Thắng Tam (phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu). Miếu Bà Ngũ Hành có nhiều ngày cúng lễ, nhưng lớn nhất là Lễ hội Cúng Bà và Nghinh Bà được tổ chức hàng năm vào các ngày 16, 17 và 18 tháng 10 âm lịch.
Nghi thức cung nghinh Bà trong lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành. |
Miếu Bà Ngũ Hành được xây dựng năm Nhâm Thìn 1832. Hơn 10 năm sau, Miếu Bà Ngũ Hành được vua Thiệu Trị tặng cấp 4 đạo sắc Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thượng Đẳng Thần. Năm Canh Tuất (1850), lại được vua Tự Đức tặng cấp 2 đạo sắc Thiên Y A Na Thần Nữ Thượng Đẳng Thần và Thủy Long Thần Nữ Thượng Đẳng Thần.
Theo quan điểm triết học phương Đông, vũ trụ cũng như vạn vật được tạo thành bởi 5 yếu tố âm dương ngũ hành, gồm: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Miếu Bà Ngũ Hành thờ cúng những vị thần quyền năng có thể tác động vào quá trình vận hành của vũ trụ và vạn vật.
Trên bức hoành phi treo trước cửa chính điện là tên “Ngũ Hành miếu”, nhưng hầu hết các vị thần được thờ cúng trong Miếu Bà Ngũ Hành đều là những thần nữ nên người dân thường gọi là Miếu Bà. Trên vị trí chính điện của Miếu Bà, thờ 2 vị hộ quốc được phong Thượng Đẳng Thần là Bà Thiên Y A Na và Thủy Long Thần Nữ, đây là 2 vị thần làm cho mưa thuận gió hòa, biển trời êm đẹp, tai qua nạn khỏi, mùa màng bội thu. Hai bên là bàn thờ 5 cô và 5 cậu. Bên trái là bàn thờ Quan Công, Quan Bình và Châu Xương là những bậc trung nghĩa. Bên phải là bàn thờ Thổ Công. Phía sau là bàn thờ Tiền Hiền, Hậu Hiền và những người giàu lòng nhân ái trong cộng đồng.
Vào các ngày lễ, Tết, tuần rằm, người dân địa phương, nhất là những người đi biển, làm nghề chài lưới thường đến Miếu Bà Ngũ Hành dâng hương cầu nguyện để các vị thần phù hộ cho cuộc sống bình an, mưa thuận gió hòa, mùa cá bội thu, tai qua nạn khỏi...
Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành chính thức mỗi năm chỉ diễn ra 1 lần vào các ngày 16, 17 và 18 tháng 10 âm lịch. Trong 3 ngày lễ hội, hàng ngàn người dân sống ở TP.Vũng Tàu cũng như du khách trong nước và nước ngoài về Miếu Bà tham dự lễ hội.
Sáng sớm ngày 16, chủ lễ và phụ tế cùng những người tham dự lễ hội làm lễ Nghinh Bà từ Miếu Bà trên đảo Hòn Bà (Bãi Sau, TP.Vũng Tàu) về Miếu Bà Ngũ Hành. Tuy khoảng cách từ bờ ra đảo Hòn Bà chưa đến 1.000 mét, nhưng đoàn người Nghinh Bà phải đi bộ, khiêng kiệu qua 50 mét đáy biển gập ghềnh đá chỉ xuất hiện khi thủy triều xuống thấp. Đoàn Nghinh Bà khênh kiệu và bàn thờ được bài trí đẹp mắt với trầu cau, hoa quả, rượu trà... Cùng đi theo đoàn còn có phường bát âm, cờ ngũ hành, chiêng trống, đội múa lân, tạo không khí rộn rã.
Trước khi chính lễ diễn ra, khoảng đầu giờ Ngọ, bóng rỗi, chầu mời là những nghi lễ được tổ chức với ý nghĩa mời Bà về dự lễ, tiếp đó là tiết mục múa dâng Bà mâm vàng, mâm bạc... Đúng giờ Ngọ, bắt đầu nghi lễ cúng ngũ hành. Đây là chính lễ, vừa cúng nghinh vừa cúng tạ thần. Ba hồi chiêng trống nổi lên, 8 phụ lễ và 6 đào thài sẽ thực hiện những nghi thức truyền thống.
Trước bàn thờ ngũ hành là 4 người phụ nữ gồm một chánh tế, một bồi tế, hai bên là đông hiếu cùng tây hiếu và 4 người mặc trang phục lính hầu tay cầm mác đứng chầu. Chủ lễ dâng 1 tuần hương kèm 3 tuần rượu, 1 tuần trà, cúng nguyện xin Bà nhập vào bà cốt trùm khăn vàng ngồi đó. Thông qua bà cốt, Bà sẽ nói những điều cần mách bảo cho người trần. Cuối cùng, chủ lễ đốt văn tế rồi những người tham dự cúng lễ lần lượt lạy tạ Bà, cầu xin Bà phù hộ độ trì những điều may mắn tốt đẹp theo ước nguyện.
Nghi thức cung nghinh Bà trong lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành. |
Sau phần lễ là tiết mục hát bội với các vở hát truyền thống lâu đời. Buổi chiều của ngày cúng lễ đầu tiên, ban quý tế còn tổ chức lễ đại bội. Sau đó là lễ trình tuồng, bóng rỗi, múa mâm vàng, mâm bạc dâng Bà.
Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành là lễ hội văn hóa tâm linh của dân làng Thắng Tam, đã tồn tại hàng trăm năm trước và lưu truyền đến hôm nay. Năm 1991, Bộ Văn hóa – Thông tin có quyết định công nhận Miếu Bà Ngũ Hành cùng toàn bộ Khu di tích Đình thần Thắng Tam là di tích văn hóa cấp Quốc gia. Hàng năm, lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành đã trở thành lễ hội văn hóa truyền thống của TP.Vũng Tàu, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.
Bài, ảnh: TRẦN VINH