Hàng năm, vào 2 ngày 16, 17/11 âm lịch, Đình thần Xuyên Mộc (được công nhận Di tích lịch sử văn hóa năm 2015) đều tổ chức lễ hội Kỳ Yên truyền thống. Lễ hội được tổ chức trang trọng để ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân có công khai phá vùng đất Xuyên Mộc, đồng thời cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mang lại đời sống ấm no cho người dân trong vùng.
Đình thần Xuyên Mộc với nét cổ kính, trang nghiêm nằm dưới tán cây đa cổ thụ. |
Nhìn từ xa, Đình thần Xuyên Mộc (ấp Nhân Tâm, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) thấp thoáng với nét cổ kính, trang nghiêm dưới tán cây đa cổ thụ sum suê. Ông Nguyễn Văn Nuôi, Trưởng Ban Cúng tế Đình thần Xuyên Mộc cho hay, do những biến đổi qua các giai đoạn lịch sử nên không rõ ngày, tháng, năm xây cất Đình thần Xuyên Mộc. Ban đầu, người dân tôn thờ thần rừng, thổ địa, thần sông, thần biển. Sau đó, dân làng tôn vị thống binh Hồ Quý Thống - người có công lao khai phá vùng đất Xuyên Mộc là Thành hoàng của làng và được thờ cúng trong đình. Hàng năm, Đình thần Xuyên Mộc đều tổ chức lễ hội Kỳ Yên để cầu mong cuộc sống bình yên ấm no cho người dân trong vùng.
Lễ hội Kỳ Yên Đình thần Xuyên Mộc được tổ chức với nhiều nghi thức trang trọng như: lễ cầu an, lễ nghinh thần, lễ chánh đàn cả, xây chầu… Trong các ngày lễ hội Kỳ Yên, dân làng tới dự ai nấy cũng ăn mặc đẹp để vui chơi, mừng năm cũ bình an khang thới, cầu cho năm mới quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no hạnh phúc.
Ngày đầu tiên 16/11 âm lịch sẽ diễn ra lễ cúng tế các vị Tiền hiền, Hậu hiền và những người có công với đất nước. Lễ vật cúng gồm: nhang, đèn, hoa quả, trà rượu, trầu cau, kim ngân, cơm canh mặn, cúng phục vị. Chánh bái mặc lễ phục áo dài tay rộng màu đỏ, đầu đội khăn xếp lúc hành lễ. Bồi bái mặc lễ phục áo dài tay rộng màu xanh, đầu đội khăn xếp lúc hành lễ. Các thành viên còn lại mặc áo dài, đầu đội khăn xếp. Buổi chiều cùng ngày có nhà sư và đạo tràng của chùa trong vùng đến tụng kinh cầu an.
Tiếp đó, vào 0 giờ ngày 17/11 âm lịch cúng nghinh Thần hoàng để tưởng nhớ công lao khai cơ lập nghiệp của các bậc tiền nhân xưa. Các lễ vật gồm đầu heo, xôi, thịt heo luộc, mâm xôi cho các bàn cúng. Chánh bái là người đọc văn tế quỳ trước bàn hương án, hai tay nâng bản văn tế đưa lên dưới ánh nến rồi chậm rãi đọc với một giọng kính cẩn trang nghiêm, hòa cùng với nhạc đệm của dàn nhạc lễ. Lúc 6 giờ sáng cùng ngày cúng Đoàn cả. Lễ vật bàn thờ cúng gồm thịt vịt, xôi, các món mặn. Sau lễ cúng, Ban tổ chức lễ hội Kỳ Yên mời bà con, các đại biểu, khách thập phương viếng đình cùng dự thụ hưởng lộc của Thần.
Đặc biệt, cứ 3 năm 1 lần, Đình thần Xuyên Mộc tổ chức lễ đại bội. Vào năm có lễ đại bội, đều có tổ chức hát bội với những tích tuồng cổ phục vụ lễ, góp vui cho du khách và người dân dự lễ. Nội dung các vở tuồng hát bội đề cao tính cách trung, hiếu, tiết, nghĩa, ca ngợi công lao của các vị Thành hoàng.
Theo ông Nguyễn Văn Nuôi, lễ hội Kỳ Yên Đình thần Xuyên Mộc có ý nghĩa tâm linh đối với đời sống của người dân trên địa bàn, góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Vào 2 ngày diễn ra lễ hội Kỳ Yên, đình làng lúc nào cũng đông đảo người dân đến thắp nhang, xem lễ rước thần, nghe đọc văn tế và thưởng thức hát bội (năm có lễ đại bội). “Những năm gần đây, trong chương trình lễ hội Kỳ Yên, Ban tổ chức lễ hội đều tổ chức trao tặng 200 phần quà cho các hộ nghèo trên địa bàn xã Xuyên Mộc, mỗi phần quà gồm gạo và tiền mặt trị giá 300 ngàn đồng do các nhà hảo tâm ủng hộ. Hoạt động này khơi gợi tình tương thân tương ái trong cộng đồng”, ông Nguyễn Văn Nuôi cho hay.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG