Ông Huỳnh Tịnh Của, sinh năm 1834, mất năm 1907 quê ở làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ông là một nhà văn hóa, nhà ngôn ngữ học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ông có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc nghiên cứu, truyền bá và phát triển chữ quốc ngữ trong giai đoạn đầu ở Việt Nam.
Tác phẩm Đại Nam quốc âm tự vị là sách gối đầu giường của nhiều nhà ngôn ngữ học trong nước và quốc tế. |
Ông Huỳnh Tịnh Của theo học Trường Công giáo Puylo - Pinang ở Malaysia từ khi còn nhỏ. Sớm tiếp thu phương pháp nghiên cứu và học thuật phương Tây, lại tinh thông chữ Hán, chữ Nôm và tiếng Pháp, ông Huỳnh Tịnh Của chủ trương học tập kỹ năng và phương pháp nghiên cứu khoa học của phương Tây nhưng vẫn bảo tồn và phát triển những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc.
Năm 1861, ông Huỳnh Tịnh Của được bổ nhiệm làm Đốc phủ sứ, Giám đốc Ty Phiên dịch Văn án ở Soái phủ Sài Gòn, nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian nghiên cứu và truyền bá chữ quốc ngữ. Ông đã gửi bản điều trần lên vua Tự Đức đề nghị dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ Hán, yêu cầu phổ cập giáo dục và cho xuất bản sách báo bằng chữ quốc ngữ, sử dụng chữ quốc ngữ làm văn tự chính thống. Bản điều trần của ông Huỳnh Tịnh Của không được vua Tự Đức chấp nhận, nhưng đã tạo điều kiện để thúc đẩy quá trình phát triển và phổ cập chữ quốc ngữ ở Việt Nam, nhất là các tỉnh, thành Nam Bộ.
Năm 1865, ông tham gia sáng lập tờ báo quốc ngữ Gia Định Báo do Trương Vĩnh Ký làm chủ bút. Sau khi Trương Vĩnh Ký qua đời, ông Huỳnh Tịnh Của thay ông làm chủ bút.
Gia Định Báo ra hàng tuần, là tờ báo Việt ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Nó có vị trí đặc biệt quan trọng, đặt nền móng cho quá trình hình thành ngành báo chí Việt Nam.
Cùng với ông Trương Vĩnh Ký, ông Huỳnh Tịnh Của luôn cổ súy phong trào học tập, nghiên cứu và vận dụng kiến thức, học thuật phương Tây trong các lĩnh vực khoa học, kỹ nghệ, kinh tế, chính trị, nhưng vẫn bảo tồn và phát triển những tinh hoa phương Đông truyền thống để canh tân đất nước, giữ gìn độc lập dân tộc trên cơ sở tự lực, tự cường.
Sự nghiệp nghiên cứu và sáng tác của ông Huỳnh Tịnh Của rất đồ sộ bao gồm các thể loại văn, thơ, nghiên cứu, biên khảo...; nhiều công trình khoa học về ngôn ngữ, phong tục tập quán, thơ ca, tục ngữ, toán học.
Trong số các tác phẩm sáng tác, nghiên cứu, biên khảo của ông Huỳnh Tịnh Của, tác phẩm Đại Nam quốc âm tự vị là công trình khoa học lớn, có giá trị đối với các nhà nghiên cứu ngôn ngữ cũng như quá trình phát triển của tiếng Việt hiện đại.
Ngôi trường THCS mang tên ông Huỳnh Tịnh Của thị trấn Long Điền, huyện Long Điền. |
Theo ông Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị chưa phải là từ điển. Tự vị khác từ điển ở chỗ tự vị chỉ giải thích chữ và nghĩa, còn từ điển phải có chú giải và dẫn điển tích. Thật ra, giới chuyên môn đánh giá Đại Nam quốc âm tự vị xứng đáng là cuốn từ điển tiếng Việt hiện đại đầu tiên do người Việt biên soạn.
Đại Nam quốc âm tự vị cung cấp nguồn từ vựng tiếng Việt vô cùng phong phú, bao gồm từ ngữ ba miền Bắc - Trung - Nam, từ ngữ địa phương, ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ bác học, ngôn ngữ bình dân... Cách giải thích rõ ràng khúc triết, nhiều từ được diễn giải nguồn gốc có trích dẫn tục ngữ, ca dao, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên... Cách sắp xếp từ ngữ theo hai nguồn gốc văn tự, chữ Nôm và Hán Việt, vừa mang tính khoa học vừa gần gũi ngôn ngữ sử dụng trong đời sống, giúp các nhà ngôn ngữ học sáng tạo thêm từ vựng mới, bắt kịp sự phát triển của ngôn ngữ hiện đại.
Đại Nam quốc âm tự vị in lần đầu vào năm 1895-1896 tại Sài Gòn, sau đó tái bản nhiều lần. Năm 1998, Nhà xuất bản Trẻ in thành hai tập, tổng số 1.210 trang sách.
Cho đến ngày nay, Đại Nam quốc âm tự vị vẫn là sách gối đầu giường của các nhà ngôn ngữ học trong nước và quốc tế. Với những đóng góp to lớn của mình, tên ông được nhiều địa phương đặt làm tên đường, trường học. Trong đó, huyện Long Điền có ngôi Trường THCS Huỳnh Tịnh Của.
TRẦN BÌNH