Cỏ May - Vòng tay mềm ôm thành phố biển - Kỳ 2: Dòng sông khi xa thì nhớ!

Thứ Hai, 14/10/2019, 18:57 [GMT+7]
In bài này
.

Dòng sông Cỏ May thơ mộng, êm đềm, mỗi ngày con nước lớn ròng theo chế độ bán nhật triều. Nhờ thông với sông Dinh nước mặn (phường 12, TP.Vũng Tàu) và cửa biển Cửa Lấp (huyện Long Điền), sông Cỏ May là nơi cung cấp các loài hải sản cho cuộc mưu sinh hàng ngày của cư dân ven sông.  

Ngư dân thu lưới rập trên sông Cỏ May.
Ngư dân thu lưới rập trên sông Cỏ May.

Hơn 5 giờ sáng, chúng tôi đến sông Cỏ May đoạn qua địa phận phường 12, TP.Vũng Tàu, vào lúc những chiếc thuyền gỗ nhỏ của ngư dân đang theo dòng thu gom lưới rập. Sớm mai, những chiếc thuyền nhỏ lướt nhẹ trên sóng nước. Tiếng mái chèo chạm vào mạn thuyền làm giật mình những chú chim đang trú ngụ trong những lùm cây đước, cây mắm, cây bần… ven hai bờ sông đặc trưng rừng ngập mặn, khiến chúng vụt cánh bay lên ríu rít đón chào ngày mới.

Dưới ánh bình minh vừa ló dạng ở chân trời phía Đông, dòng sông Cỏ May trông rất yên bình, thơ mộng. Tên con sông này bất giác khiến tôi cảm xúc nhớ đến bài thơ “Hoa Cỏ May” của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh: “Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may/Áo em sơ ý cỏ găm đầy/Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/Ai biết lòng anh có đổi thay?/Mây trắng bay đi cùng với gió/Lòng như trời biếc lúc ban sơ”…

Cảm xúc qua đi, trở lại với thực tại, nhìn những con thuyền nhỏ của ngư dân khá nhỏ nhoi trước bao la của sông nước. Trên mỗi chiếc thuyền có 2 người. Một người dùng đôi chân điều khiển mái chèo đến nơi đặt lưới rập, người còn lại thoăn thoát kéo rập chất vào lòng thuyền. Công đoạn thu lưới rập kéo dài khoảng 1 tiếng. Hơn 6 giờ sáng, ánh bình minh đã tràn trên từng khuôn mặt người cũng là lúc những con thuyền trên sông Cỏ May tất tả quay vào bờ. Lúc này, những cái lưới rập được xếp lại ngay ngắn trên lòng thuyền đậu dưới bến, những rổ tôm, cá các loại được ngư dân đưa lên bờ. Theo những người đánh bắt trên sông, ngoài việc kéo rập khó nhọc, còn đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại để gỡ cá, tôm làm sao vẫn còn nguyên vẹn, tươi ngon thì mới bán được giá.

Vừa cho con thuyền nhỏ cập bến, vợ chồng bà Nguyễn Thị Dung (ngụ hẻm 1844, Võ Nguyên Giáp, phường 12, TP.Vũng Tàu) nở nụ cười tươi rói trên khuôn mặt nhiều nếp gấp. Bà Dung vui vẻ nói: “Hôm nay, thu hoạch cũng được kha khá. Tuy không có cá to, nhưng nếu bán mớ này cũng được hơn 200 ngàn đồng, đủ trang trải cuộc sống cho gia đình”. Những sản vật đánh bắt từ sông Cỏ May được bà Dung phân loại để thương lái tới mua rồi chuyển đến phiên chợ sớm. Bà Dung cũng không quên để lại mấy con cá lệch, cá trai làm món cho bữa ăn và ít mồi cho ông chồng nhâm nhi vài ly rượu sau những giờ làm việc vất vả.

Đang xẻ những con cá trai bằng đôi bàn tay sần sùi, chai sạn, bà Dung cho hay: Vợ chồng bà làm nghề chài lưới trên sông Cỏ May đã hơn 20 năm nay. Gia đình có 4 người con, nhưng đều có gia đình riêng và nối nghiệp của cha mẹ để mưu sinh. Hàng ngày, khoảng 5 giờ sáng, vợ chồng bà chèo con thuyền nhỏ đi thu lưới rập đến hơn 6 giờ. Sau khi bán sản phẩm thu hoạch, ăn lót dạ sáng thì sửa rập, vá lưới, kiểm tra an toàn của thuyền rồi nghỉ ngơi. Đến khoảng 7-8 giờ tối, vợ chồng bà lại cho thuyền xuôi dòng thả rập trên sông. Đều đặn mỗi ngày làm cuộc mưu sinh trên sông nước, vợ chồng bà Dung có thu nhập khoảng 200-300 ngàn đồng. Đêm nào trúng đậm con nước thì được tới 400-500 ngàn đồng.

Nhưng không phải gia đình nào cư ngụ ven sông cũng có thể làm cái nghề lấy đêm làm ngày này được, bởi đánh cá đêm luôn nhọc nhằn, vất vả với bao điều may rủi. Phải yêu sông lắm họ mới chấp nhận gắn bó đời mình với những đêm thức, ngủ cùng con nước lớn ròng. “Trong xóm tui, phần lớn người dân sống nhờ vào sản vật thu hoạch trên sông Cỏ May. Gia đình tui cũng mấy đời sống bằng nghề rập lưới, đêm nào không ra sông lại thấy nhớ!”, bà Dung bày tỏ.

Sông Cỏ May có thể ví von như một phụ nữ hiền hòa, dịu dàng với dòng chảy theo hình cánh cung tạo thành vòng tay mềm ôm thành phố biển, ôm lấy cuộc sống của bao phận đời ven sông. Đối với những ngư dân, dòng sông Cỏ May không chỉ là nơi giúp họ mưu sinh, mà còn như người bạn tri kỷ gắn bó thân thiết, để mỗi khi xa đều cảm thấy da diết nhớ nhung.

Bài ảnh: SƠN KHÊ

(Xem tiếp kỳ sau)

;
.