Dương Văn Mạnh - người thiếu niên trẻ kiên trung của Long Phước

Thứ Bảy, 07/09/2019, 08:48 [GMT+7]
In bài này
.

Xã Long Phước (TP.Bà Rịa) là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây đã sản sinh nhiều người con anh hùng và trong số 4 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Long Phước có Dương Văn Mạnh, người đã hy sinh vì Tổ quốc khi mới 16 tuổi.

Cô Võ Thị Kim Liên, Tổng Phụ trách Đội Trường THCS Dương Văn Mạnh và các em HS trao đổi về AHLS Dương Văn Mạnh tại tượng đài mang tên ông.
Cô Võ Thị Kim Liên, Tổng Phụ trách Đội Trường THCS Dương Văn Mạnh và các em HS trao đổi về AHLS Dương Văn Mạnh tại tượng đài mang tên ông.

Con đường vào xã Long Phước (TP.Bà Rịa) những ngày tháng 9 dịu mát. Sự bình yên và giản dị vẫn vẹn nguyên trong lối sống, sinh hoạt của những người dân nơi đây. Để tưởng nhớ Dương Văn Mạnh, đã hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc, sự bình yên của quê hương Long Phước ngày hôm nay, một số công trình đã được đặt tên anh. Đó là Công viên Dương Văn Mạnh và Trường THCS Dương Văn Mạnh.

Trường THCS Dương Văn Mạnh được xây dựng mới năm 2004, sạch, đẹp, khang trang với hai hàng cây xanh rợp bóng sân trường. Trong tiết chào cờ đầu năm học mới, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thế Nguyên đã kể vắn tắt câu chuyện về anh hùng Dương Văn Mạnh với các em HS của trường.

Dương Văn Mạnh sinh năm 1930, quê ở ấp Tây, xã Long Phước. Đầu năm 1944, anh theo anh trai lên Sài Gòn học, được giác ngộ và tham gia hoạt động trong phong trào HSSV, làm liên lạc cho một tổ chức bí mật từ Sài Gòn về Bà Rịa.

Khi thực dân Pháp đàn áp phong trào HSSV, Dương Văn Mạnh trở về quê tiếp tục hoạt động, làm liên lạc cho đội du kích xã (Đội du kích Quang Trung, lực lượng nòng cốt kháng chiến của tỉnh, tiền thân của lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa sau này). Tháng 5/1946, trên đường đi công tác, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyển công văn trở về, Dương Văn Mạnh lọt vào ổ phục kích của hai trung đội lính lê dương. Chúng bắt Dương Văn Mạnh, dụ dỗ anh khai ra tổ chức bí mật. Mặc dù bị tra tấn, đánh đập dã man suốt 5 ngày trời, nhưng anh kiên quyết không khai. Bọn địch đã trói anh vào gốc cây để bắn nhằm uy hiếp phong trào cách mạng.

Trước khi bị bắn, Dương Văn Mạnh đã hô vang: “Giặc Pháp là quân xâm lược, lũ cướp nước”. Anh hy sinh ở tuổi 16. Ngày 23/7/1997, Dương Văn Mạnh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 “Thầy muốn các em hiểu ý nghĩa về tên gọi của ngôi trường, và các em sẽ thêm yêu mái trường của mình hơn. Đối với những HS lớp 6, các em có thể đọc về tiểu sử Dương Văn Mạnh trên tấm bảng sau cột cờ”, thầy Nguyên kết thúc câu chuyện trong tiếng vỗ tay của 490 em HS toàn trường. 

Theo cô Võ Thị Kim Liên, Tổng phụ trách Đội, hàng năm, Trường THCS Dương Văn Mạnh tổ chức các hội thi: Rung chuông vàng, tìm hiểu lịch sử Việt Nam, tìm hiểu danh nhân Việt Nam, danh nhân tỉnh BR-VT… Bên cạnh đó, hàng tháng, trường phân công HS quét, nhặt rác tại Công viên tượng đài Dương Văn Mạnh. Dịp lễ tết, Trường tổ chức cho HS về nguồn: Viếng tượng đài, đền liệt sĩ, thăm địa đạo Long Phước, nói chuyện truyền thống, qua đó giúp các em thêm hiểu, thêm yêu quý lịch sử Việt Nam, đặc biệt là vùng đất, con người BR-VT và Long Phước.

Nguyễn Duy Đông Sang (HS lớp 9A3) cho biết, HS trong trường hầu như đều thuộc lòng câu chuyện về Anh hùng Lực lượng vũ trang Dương Văn Mạnh. “Năm học trước, tại hội thi “Em yêu lịch sử Việt Nam”, lớp em tham gia 1 tiểu phẩm, trong đó em vào vai Dương Văn Mạnh. Em đã tìm đọc để hiểu hơn và thể hiện được khí phách của người anh hùng trẻ tuổi. Em tự hào vì được học tại ngôi trường mang tên ông: Dương Văn Mạnh”, Sang nói.

Nếu một lần đến Long Phước, sau khi thăm địa đạo, du khách có thể dừng chân, tản bộ hoặc ngồi trên ghế đá trong công viên mang tên người anh hùng liệt sĩ trẻ tuổi Dương Văn Mạnh, mỗi người như càng cảm nhận những hy sinh thầm lặng của biết bao lớp người đi trước, để từ đó, càng thêm trân trọng giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

;
mua hàng nhật giá tốt
.