Võ Thị Sáu - Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Thứ Ba, 27/08/2019, 18:43 [GMT+7]
In bài này
.
Kỳ 3: Hiên ngang trước họng súng quân thù

Ngày 22/1/1952 Thực dân Pháp đã lén lút đưa Võ Thị Sáu ra Côn Đảo với số tù G.267 để hành quyết. Chiếc hải vận đưa người nữ tù Võ Thị Sáu cập vịnh Côn Đảo, neo tại Đá Trắng. 

Sở Cò-Côn Đảo, nơi thực dân Pháp giam giữ Võ Thị Sáu trước lúc hành quyết. (ảnh tư liệu)
Sở Cò-Côn Đảo, nơi thực dân Pháp giam giữ Võ Thị Sáu trước lúc hành quyết. Ảnh: Tư liệu

Chúa đảo Jacty ra lệnh giải Võ Thị Sáu về giam biệt  lập ở xà lim, dưới sự giám sát, canh giữ nghiêm ngặt của chủ Sở Cò. Sở Cò là nơi làm việc của Cảnh sát tư pháp tại nhà tù Côn Đảo, hoạt động từ năm 1929, do quản đốc (chúa đảo) trực tiếp điều hành, với chức năng đàn áp, bắt bớ, giam cầm những tù nhân chính trị tham gia đấu tranh, biểu tình...  

Những tù nhân đi làm trên tàu thấy một người con gái còn trẻ tuổi bị áp giải từ Cầu Tàu (914) lên Sở Cò. 12 tên lính lê dương lên bờ đi dạo quanh Côn Đảo. Anh em trại tù áo trắng làm các sở, liên hệ với những người bán hàng thủ công để thăm dò tin tức và cho biết sẽ xử bắn một người con gái. Tin truyền nhanh chóng khắp các lao nhưng chưa biết cô gái này là ai. Anh Hùng tù binh người Bắc được đưa lên làm văn phòng chúa đảo, báo cáo lại cho đồng chí Triêm, sau đó mật báo cho Liên đoàn tù nhân Côn Đảo. Được tin chị Võ Thị Sáu bị giam tại xà lim Sở Cò, Đảo ủy và Liên đoàn Tù nhân kháng chiến Côn Đảo bí mật liên lạc với chị Sáu. Đồng chí Triêm đã gửi cho chị Sáu một mẩu giấy nhỏ, ghi nội dung biểu dương truyền thống bất khuất trước quân thù và gửi lời động viên, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Nhận được tin, chị Võ Thị Sáu phấn chấn hẳn lên và trả lời đầy ý chí: “Mấy anh yên tâm, em biết chọn con đường sống, chiến đấu cho độc lập dân tộc thì em cũng biết chọn cho mình cái chết xứng đáng. Em gửi lời chào hết mấy anh…”. Chị Sáu cho biết, chị đã chuẩn bị tư tưởng, đầy đủ khi chúng đưa đi bắn và chị cho biết khi đưa xuống tàu, chúng giữ hết sức bí mật, nhốt chị trong thùng đựng hàng. Lúc 4 giờ sáng ngày 23/1/1952, trước khi bắn, chúng dẫn chị Sáu lên văn phòng gặp tên Cò để làm thủ tục hành chính. Anh Mẫn, tù nhân làm bồi cho tên Cò kể lại: “Chị Sáu không chấp nhận rửa tội, bảo: “Tao không có tội gì!”. Chúng cho chị uống một ly rượu nhỏ (không phải cho ăn bữa cơm theo thủ tục), chị hất đi không uống. Tên chúa đảo Arty hỏi chị muốn gì. Chị yêu cầu gởi về cho gia đình một nắm tóc và bộ quần áo của chị. Chúng chấp nhận cho gởi một nắm tóc, chiếc lược và chiếc khăn tay. Những thứ này được gói lại, ký gởi ở ngân khố theo thủ tục. Chủ ngân khố lúc đó là Trần Văn Thiều. Đồng chí Phan Sỹ Hùng trong ban liên lạc của Đảo ủy, cho biết thêm chi tiết sau: “Khi lái chiếc xe chở chị Sáu ra pháp trường, chúng bắt để xe ở xa và dẫn chị đi bộ vào nơi xử bắn cách chỗ xe đậu khoảng 100m, phía sau lao 3 (tức lao 4 hiện nay). Lúc sắp bắn chị không cho bịt mắt. Chị hát bài hát “Tuốt gươm thiêng” và hô to “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Chúng không cho chị hô tiếp và ra lệnh bắn, nhiều tên bắn bổng không nhắm vào người chị. Lúc đó khoảng 5 giờ sáng…”. 

Tấm gương hy sinh trung trinh sáng chói của Võ Thị Sáu thể hiện người chiến sĩ công an xung phong sẵn sàng vì nước, vì dân chiến đấu với kẻ thù đến cùng. Võ Thị Sáu tiêu biểu cho lớp thanh thiếu niên được Cách mạng Tháng Tám (1945) giải phóng, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, chiến đấu vì độc lập, dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Sự hy sinh cao cả của chị Võ Thị Sáu, người con gái Đất Đỏ trở thành biểu tượng cao đẹp, cổ vũ tinh thần cho lớp lớp thanh niên cả nước đứng lên chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ của dân tộc Việt Nam.

PHƯƠNG NGUYÊN (Xem tiếp kỳ sau)

;
.