Kỳ 2: Lập nhiều chiến công trước ngày định mệnh
Từ năm 1947, Võ Thị Sáu là đội viên của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Với lòng gan dạ, mưu trí, Võ Thị Sáu được giao nhiệm vụ trinh sát, nắm tình hình của địch, từ đó cung cấp nhiều thông tin chính xác, giúp Đội hoàn thành nhiều nhiệm vụ.
Khám Chí Hòa, Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh), nơi giam giữ Võ Thị Sáu. (Ảnh tư liệu) |
Lần tham gia nhiệm vụ đầu tiên của Võ Thị Sáu là cùng Đội phá vỡ buổi mít tinh kỷ niệm quốc khánh Pháp, 14/7/1948. Vượt qua nhiều vòng kiểm soát của địch, Võ Thị Sáu ém phía góc chợ Đất Đỏ, sát khán đài từ lúc nửa đêm. Sáng hôm sau, khi xe tỉnh trưởng Lê Thành Tường vừa tới thì Sáu liệng lựu đạn vào xe. Các thành viên của Đội yểm trợ và tạo áp lực giải tán cuộc biểu tình. Trận đánh đã gây được tiếng vang lớn. Uy tín, sức mạnh của Việt Minh lan rộng.
Tiếp theo là trận đánh giết tên cai tổng Tòng do đội trưởng Mai Văn Láng giao Võ Thị Sáu trực tiếp đảm nhiệm. Cai tổng Tòng vốn là kẻ thù của nhân dân, từng gây ra rất nhiều tội ác trong vùng. Trong sách “Võ Thị Sáu, con người và huyền thoại” Nguyễn Đình Thống kể: “Một buổi sáng, Võ Thị Sáu theo đoàn người vào làm căn cước, trái lựu đạn nằm gọn trong cơi đựng trầu. Giữa buổi, người thưa dần, Sáu rút lựu đạn liệng thẳng vào mặt Tổng Tòng rồi hô: Việt Minh tấn công!”.
Sau đó ít lâu, Võ Thị Sáu tham gia giết 2 tên ác ôn khét tiếng trong vùng là Cả Đay, Cả Suốt. Không ngờ, đây cũng là trận đánh cuối cùng của chị. Vào dịp cuối năm bà con tất bật chuẩn bị đón Tết Canh Dần 1950, khi chúng cùng lính đi xét, cướp giật tại phiên cuối năm tại chợ Đất Đỏ. Võ Thị Sáu mặc bộ bà ba đen, chân đất, lẫn trong đoàn người vào chợ sắm Tết, nhưng không ai hay biết trong giỏ đồ của chị phía dưới giấu 2 trái lựu đạn. Bám sát phía sau hai tên ác ôn và tốp lính, chờ chúng đi ra khỏi chợ, chị Sáu rút lựu đạn vung tay ném. Sau tiếng nổ ngang tai, Cả Đay, Cả Suốt đổ gục… Võ Thị Sáu ra sức chạy về phía ấp Hiệp Hòa. Địch ra vây bắt, Võ Thị Sáu dùng nốt trái lựu đạn thứ 2 nhưng lựu đạn không nổ. Chị Sáu bị địch bắt đưa về tra tấn tại bót Đất Đỏ, sau đó, chúng đưa chị Sáu đến khám Bà Rịa giam trong 3 tháng.
Tháng 3/1950, chúng chuyển chị Sáu đến phòng số 9, khám Chí Hoà. Tại đây, Võ Thị Sáu quen với nhiều nữ chiến sĩ cách mạng. Họ dành cho Võ Thị Sáu tình cảm đặc biệt. Cũng chính họ đã dạy văn hóa cho Võ Thị Sáu, động viên, khích lệ Võ Thị Sáu ý chí kiên định khi đối phó với kẻ thù. Nhờ vậy, dù trong hoàn cảnh nào, chị Sáu vẫn tuyệt đối trung thành. Tháng 4/1951, thực dân Pháp đưa Võ Thị Sáu ra tòa án binh. Nhờ sự giúp đỡ của các chị lớn tuổi trong trại 9, Võ Thị Sáu đã biến nơi xét xử thành nơi tố cáo kẻ thù. Trước mặt tên Chánh án, Võ Thị Sáu dõng dạc: “Tôi không có tội. Yêu đất nước mình, chống thực dân xâm lược không phải là một tội”. Kết thúc phiên tòa, chị Võ Thị Sáu bị kết án tử hình vì tội “giết người, phá rối trật tự trị an, chống lại nền bảo hộ của nước Pháp”. Trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, nhất là nhân dân Pháp tiến bộ về bản án dành cho một nữ tù tuổi thành niên, thực dân Pháp không dám thực hiện án tử hình Võ Thị Sáu tại Sài Gòn. Chúng lén lút đưa chị Võ Thị Sáu ra Côn Đảo. Chuyến tàu định mệnh đưa Võ Thị Sáu cùng 40 tù chính trị đã khởi hành ra Côn Đảo vào sáng 21/1/1952…
PHƯƠNG NGUYÊN (Xem tiếp kỳ sau)