Mưa bão trái mùa, vì sao?

Chủ Nhật, 20/12/2020, 17:29 [GMT+7]
In bài này
.

Thời điểm gần cuối tháng 12, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn có những trận mưa lớn, khác với quy luật mọi năm. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh về nguyên nhân và những khuyến cáo trước hiện tượng thời tiết này.

• Phóng viên: Ông nhận định như thế nào về tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh BR-VT năm 2020 và những năm gần đây?

- Ông Nguyễn Văn Tài: Những năm gần đây, tình hình thời tiết tại BR-VT có những biến đổi thất thường theo hướng tiêu cực. Nhiệt độ tăng, độ ẩm giảm, lượng mưa ít đi, nước dâng cao... Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, nhiệt độ tại BR-VT có xu hướng tăng từ 0,0240C đến 0,040C/năm; độ ẩm có xu hướng giảm với tốc độ giảm 0,009%/năm... 2-3 năm gần đây, BR-VT xuất hiện tình trạng mùa khô kéo dài, bắt đầu mùa mưa muộn và kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). 

Theo quy luật hàng năm giữa tháng 4 là những trận mưa chuyển mùa đã xuất hiện. Nhưng năm 2020, đến cuối tháng 5 BR-VT vẫn không có trận mưa nào. Trữ lượng nước tại nhiều hồ trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Riêng hồ Sông Hỏa (xã Bông Trang), hồ Suối Cát (xã Hòa Hiệp) gần như cạn kiệt, khiến hàng ngàn hộ dân ở địa hình cao thuộc xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. 

Những năm trước, đến tháng 11 BR-VT đã bước vào mùa khô, không còn mưa hoặc chỉ mưa nhỏ vài nơi. Năm nay, trận mưa lớn nhất trong năm lại xuất hiện vào đêm 5 đến sáng sớm 6/11 khiến TP. Vũng Tàu ngập sâu chưa từng có. Lượng mưa đo được tại Vũng Tàu ngày hôm đó là 196,3mm.

Gần đây nhất, ngày 12/12, ngày 18/12, khu vực BR-VT xuất hiện trận mưa với thời gian ngắn từ 20-30 phút trải dài trên diện rộng từ TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa đến các huyện Long Điền, Đất Đỏ với lượng mưa phổ biến từ 5-16mm.

• Nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng trên do đâu, thưa ông?

- Hiện tượng mưa lớn trái mùa kéo dài từ 2-3 ngày tại BR-VT là do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina (hiện tượng nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương lạnh hơn so với bình thường), kết hợp với rãnh áp thấp có trục 4-7 độ vĩ Bắc hoạt động mạnh. Khu vực BR-VT ở rìa phía Bắc của rãnh áp thấp nên có nhiều khối mây phát triển từ biển di chuyển vào đất liền gây ra mưa. 

• Năm 2020 cũng là năm xuất hiện nhiều cơn bão ở Việt Nam. Đặc biệt, hiện nay, áp thấp nhiệt đới hình thành ở Biển Đông và đã mạnh lên thành bão. Ông có thể thông tin thêm về hiện tượng này?

- Như tôi đã nói trên, La Nina làm cho mùa bão năm nay trở nên phức tạp hơn, mùa bão đến muộn, số lượng bão và tần suất dồn dập vào cuối năm và thậm chí tháng 1, 2/2021 vẫn có thể còn những cơn bão muộn tác động vào khu vực phía Nam.

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 16 loại hình thiên tai; trong đó có 13 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới đã xuất hiện trên khu vực Biển Đông; trong đó có 7 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Xâm nhập mặn xuất hiện sớm và gay gắt ở Đồng bằng sông Cửu Long; các tháng mùa khô, thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng ở Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. 

Mưa trái mùa khiến nông dân lo lắng vì không thu hoạch đúng mùa vụ Tết. Trong ảnh: Nông dân xã Châu Pha (TX. Phú Mỹ) chăm sóc rau.
Mưa trái mùa khiến nông dân lo lắng vì không thu hoạch đúng mùa vụ Tết. Trong ảnh: Nông dân xã Châu Pha (TX. Phú Mỹ) chăm sóc rau.

• Người dân sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào bởi hiện tượng thời tiết cực đoan này, đặc biệt là hoạt động sản xuất nông nghiệp, thưa ông?

- Mưa trái mùa, thay đổi lớn về nhiệt độ và độ ẩm cũng ảnh hưởng đến hoạt động trồng trọt, sản xuất của ngành nông nghiệp. Đặc biệt, thời điểm này nông dân đang trồng rau, hoa, trái cây chuẩn bị cho vụ Tết nên mưa trái mùa sẽ khiến hoa, trái không cho thu hoạch đúng như kế hoạch, dẫn đến thất thu vụ Tết.

• Ông có khuyến cáo gì với người dân trong việc ứng phó và giảm thiểu tác hại do thời tiết cực đoan?

- Để chủ động ứng phó các tình huống thời tiết cực đoan, mỗi địa phương, mỗi ngành cần xây dựng các phương án phòng, chống theo nhiều cấp độ, từ tình huống ít nguy hiểm đến tình huống nguy hiểm nhất, gắn với đặc điểm và điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương, ngành, lĩnh vực. Các phương án này cần được phổ biến rộng rãi, thường xuyên đến tất cả mọi người dân trong vùng, khi xảy ra tình huống khẩn cấp, chỉ cần thông báo phương án áp dụng. Công tác này được thực hiện tốt sẽ giảm thiểu nhiều thiệt hại, nhất là về sinh mạng con người. Ngoài ra, người dân cũng cần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên để hạn chế những rủi ro từ diễn biến phức tạp của thời tiết.

• Xin cảm ơn ông!

QUANG VŨ 

(Thực hiện)

 
;
.