Hỗ trợ sinh viên sư phạm cần gắn với giải quyết việc làm

Chủ Nhật, 29/11/2020, 16:39 [GMT+7]
In bài này
.

Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm mang đến lợi ích gì cho sinh viên và các cơ sở đào tạo? Phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã trao đổi với TS Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường CĐSP Bà Rịa - Vũng Tàu về nội dung này.

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ sẽ góp phần thu hút học sinh vào ngành sư phạm.
Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ sẽ góp phần thu hút học sinh vào ngành sư phạm.

* Phóng viên: Thưa ông, Nghị định 116  đã tác động như thế nào đối với sinh viên sư phạm và nhà trường?

- TS Hồ Cảnh Hạnh: Nghị định số 116 là chính sách ưu đãi lớn, rất có ý nghĩa. Sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt hàng tháng trong thời gian học tập. Chính sách cũng góp phần tăng sức hút cho ngành sư phạm. Tuy nhiên, đây chỉ là những hỗ trợ về đầu vào. Điều này đặt ra những yêu cầu về giải quyết việc làm sau đào tạo. Nếu sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc làm, đồng nghĩa với lãng phí ngân sách.

*  Những đối tượng nào sẽ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP thưa ông?

- Sinh viên học trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên chính quy, liên thông chính quy và sinh viên học văn bằng thứ hai (chính quy) trình độ đại học, cao đẳng sư phạm mà có kết quả văn bằng thứ nhất đạt loại giỏi, sẽ được thụ hưởng. 

Nghị định này không áp dụng đối với giáo viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng chuẩn (theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ).

* Còn đối với sinh viên tuyển sinh trước năm học 2021-2022?

- Nghị định có hiệu lực từ 15/11/2020 và bắt đầu áp dụng từ đợt tuyển sinh 2021-2022. Do đó, sinh viên đã đào tạo từ năm học 2020-2021 trở về trước không được thụ hưởng mà thực hiện theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.

* Thủ tục đăng ký, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ cho sinh viên như thế nào, thưa ông?

- Sinh viên được hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo, đồng thời hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (không quá 10 tháng/năm học).

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo trúng tuyển, sinh viên sư phạm nộp đơn đề nghị được thụ hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt đến cơ sở đào tạo theo mẫu với hình thức nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có). Sinh viên chỉ nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ 1 lần duy nhất trong cả thời gian học.

Danh sách sinh viên sư phạm được hưởng chính sách hỗ trợ được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo. Trường CĐSP Bà Rịa - Vũng Tàu hiện đang xây dựng đề án tuyển sinh để triển khai thực hiện, dự kiến được bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022.

* Ông vừa đề cập đến chính sách bồi hoàn kinh phí, cụ thể là áp dụng với những trường hợp nào?

- Sinh viên sư phạm phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt nếu không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; hoặc công tác trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian công tác theo quy định (tối thiểu gấp 2 lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng); hoặc đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo, bị kỷ luật buộc thôi học…

Thời hạn sinh viên hoặc gia đình phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tối đa là 4 năm; nếu nộp chậm thì phải chịu lãi suất; nếu không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì cơ quan thu hồi kinh phí bồi hoàn có quyền khởi kiện tại Tòa án.

*  Xin cảm ơn ông!

TRÚC GIANG

(Thực hiện)

 
;
.