Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu: Sẵn sàng điều chỉnh các phương thức xét tuyển

Chủ Nhật, 26/04/2020, 21:30 [GMT+7]
In bài này
.

Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH BR-VT (BVU) dự kiến triển khai 5 phương thức tuyển sinh nhằm tạo cơ hội cho thí sinh có thêm lựa chọn ngành học. PV Báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với GS. TS Nguyễn Lộc (ảnh), Hiệu trưởng BVU về vấn đề này.

● Phóng viên: GS đánh giá như thế nào về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 và thực hiện sớm quyền tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH vừa được Chính phủ thông qua?

- GS. TS Nguyễn Lộc: Việc bỏ hình thức thi 2 trong 1 mà chỉ tập trung vào một mục tiêu xét tốt nghiệp THPT sẽ giảm tải khối lượng kiến thức mà các thí sinh dự thi cần phải chuẩn bị. Đây là điều hết sức quan trọng, bởi dịch bệnh COVID-19 đã gây xáo trộn việc học tập của các em trong một thời gian dài.

Thứ hai, với hình thức tiến hành thi xét tốt nghiệp THPT, Bộ đã chính thức triển khai quá trình tự chủ của các trường ĐH trong việc tuyển sinh, thông qua việc đưa ra các phương thức xét tuyển phù hợp của trường mình mà không phụ thuộc vào các phương thức của năm trước.

Thứ ba, nếu xét về kinh nghiệm quốc tế, hình thức thi 2 trong 1 hầu như không được quốc gia nào áp dụng. Cho nên, việc loại bỏ hình thức này sẽ đưa Việt Nam quay lại với thông lệ của thế giới trong việc tách biệt thi xét tốt nghiệp và thi vào các trường ĐH.

● Chủ trương trên ảnh hưởng như thế nào đến công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, thưa GS?

- Về thuận lợi, chủ trương này sẽ hướng các trường ĐH trở nên tự chủ sớm hơn so với kế hoạch dự kiến vào năm 2021, điều mà nhiều trường ĐH mong muốn từ lâu. Điểm thuận lợi thứ hai là, mặc dù bước đầu bỡ ngỡ nhưng việc này sẽ tạo điều kiện cho các trường chuẩn bị phương án tuyển sinh tốt hơn vào những năm sau.

Tất nhiên, khó khăn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Cụ thể phần đông các trường ĐH khó triển khai được cách đánh giá năng lực để xét tuyển kịp về thời gian cũng như phù hợp về mặt kinh phí. Khó khăn thứ hai là, các trường khó có ngưỡng bảo đảm chất lượng để định hướng cho chuẩn xét vào trường của mình.

Bên cạnh đó, do sự tự chủ được triển khai khá “đột ngột” nên có khả năng sẽ không có sự can thiệp phù hợp của Bộ GD-ĐT trong việc điều phối các chỉ tiêu tuyển sinh giữa các trường ĐH. Và điều này có khả năng tạo ra sự bất bình đẳng, dẫn đến hiện tượng có trường tuyển được rất nhiều, có trường sẽ không tuyển sinh được.

SV Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu tự học tại Phòng Văn hoá Hàn Quốc
SV Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu tự học tại Phòng Văn hoá Hàn Quốc

● Với tình hình trên, phương án tuyển sinh năm nay được BVU  thực hiện như thế nào?

- Cũng như mọi năm và cũng như nhiều trường ĐH khác, BVU có 5 phương thức tuyển sinh. Đó là: Xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia 2020; Xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT theo tổ hợp môn; Xét tuyển dựa vào điểm trung bình các học kỳ THPT; Xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh năm 2020 và xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

Với định hướng của Bộ GD-ĐT về việc triển khai tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 thay vì kỳ thi hai mục đích, BVU sẽ không thể duy trì phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia như mọi năm. Với bối cảnh mới, BVU sẽ giữ lại 4 phương thức xét tuyển sau và điều chỉnh phương thức xét tuyển đầu tiên. Cụ thể, Trường có thể sẽ sử dụng kết quả thi THPT 2020 với mục đích xét tốt nghiệp và dùng kết quả đó để xem xét, cân nhắc và chọn tổ hợp môn thi phù hợp, cũng như điểm trung bình phù hợp nhằm xét tuyển sinh vào trường.

Tùy theo kết quả thi sắp tới, trường sẽ đề ra tỷ lệ cần thiết giữa các phương thức tuyển sinh khác nhau. Với cách thức như thế này, BVU luôn sẵn sàng điều chỉnh các phương thức xét tuyển của mình để phù hợp với định hướng của Chính phủ, đồng thời bảo đảm quyền lợi, cơ hội tối đa cho các em được tuyển vào học ở BVU. 

● Xin cảm ơn ông!

HOÀNG DƯƠNG (Thực hiện)

 
;
.