Các gói hỗ trợ doanh nghiệp phải sớm có hiệu lực

Chủ Nhật, 19/04/2020, 21:13 [GMT+7]
In bài này
.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang lao đao vì đại dịch COVID-19, thậm chí có DN phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Các biện pháp cấp bách hỗ trợ DN vượt qua dịch bệnh COVID-19 đã được công bố. Nhưng làm thế nào để có hiệu lực ngay đang là điều mà các DN băn khoăn. Xung quanh vấn đề này, PV Báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Kháng (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh.

•Phóng viên: Ông có thể cho biết tình hình “sức khỏe” của các DNNVV hiện nay, nhất là trong bối cảnh các DN đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19?

- Ông Lê Văn Kháng: Như chúng ta đã biết, dịch bệnh COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và tác động xấu, trì trệ đến mọi hoạt động chính trị xã hội khác nữa. Cụ thể là sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, doanh thu giảm, cung cầu hàng hóa nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh ách tắc, công nhân nghỉ việc. Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch phải tạm ngừng kinh doanh, DN đối mặt với nguy cơ thua lỗ, phá sản. Không chỉ khó khăn trước mắt mà tác động của dịch COVID-19 còn làm mất đà cho sản xuất của những năm  tiếp theo.

Theo thống kê, hiện có 40% số DN giảm doanh thu vào cuối năm hoặc hoạch toán lỗ. Các DN nhỏ, siêu nhỏ, chiếm tỷ lệ khoảng 45-50% lực lượng DN trong tỉnh đang bị ngưng trệ cần được hỗ trợ để vực dậy sau dịch.

•Ông đánh giá như thế nào về giải pháp của Chính phủ và các gói hỗ trợ của ngành ngân hàng (NH) cho các DN thời gian qua? 

- Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về hỗ trợ DN bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. NHNN chi nhánh tỉnh cũng có công văn thông tin và trao đổi tình hình đến Hiệp hội DN. Theo tôi, chính sách của Chính phủ và cấp bộ, ngành đưa ra là kịp thời. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thì còn nhiều vướng mắc. Một số DN sau khi đến làm thủ tục vay vốn đã phàn nàn rằng, các NHTM chưa thực hiện ngay vì còn chờ hướng dẫn cụ thể hoặc xem xét vào các tiêu chí của từng NH. Do đó, cần xem xét đánh giá lại và cụ thể hóa minh bạch chính sách hỗ trợ cho DN. Chẳng hạn, với vốn vay lãi suất NH của DN bị ảnh hưởng trong thời kỳ dịch giãn nợ hết năm 2020, cần đề ra cụ thể là giảm lãi suất 50% hay 100% trên lãi suất thỏa thuận vay trước đó. Bên cạnh đó, đối với các DN đã khó khăn trong việc thu hồi vốn trong kinh doanh và thiếu vốn để duy trì phát triển sản xuất, NH cũng nên xem lại tiêu chí thế chấp cầm cố tài sản và khất giãn nợ cũ; tạo điều kiện cho DN vay vốn mới để phát triển sản xuất kinh doanh.

Công nhân Công ty CP Tong Hong Tannery (KCN Mỹ Xuân A2, TX. Phú Mỹ) trong giờ sản xuất. Ảnh: AN NHẬT
Công nhân Công ty CP Tong Hong Tannery (KCN Mỹ Xuân A2, TX. Phú Mỹ) trong giờ sản xuất. Ảnh: AN NHẬT

•Với vai trò là “ngôi nhà chung” cho các DN, Hiệp hội đã làm gì để hỗ trợ DN vượt qua dịch COVID-19, duy trì sản xuất kinh doanh?  

- Trong thời gian qua, Hiệp hội đẩy mạnh chương trình liên kết các hội viên tiêu thụ sản phẩm cho nhau. Ngoài ra, Hiệp hội còn phối hợp với Cục Thuế tỉnh tổ chức hội nghị hướng dẫn quyết toán thuế và giải đáp thắc mắc về chính sách thuế cho DN. Qua đó, kiến nghị với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Riêng từ đầu năm đến nay, khi tình hình dịch bệnh xảy ra, căn cứ vào Chỉ thị của Thủ tướng và chủ trương chính sách của các cấp, Hiệp hội đã kịp thời nắm bắt tình hình khó khăn của các hội viên DN. Đến nay, đã có một số DN hội viên gửi báo cáo về Hiệp hội xin hỗ trợ lãi vay tại các NH. Cụ thể là: Công ty TNHH Giải Pháp SV xin hỗ trợ giảm lãi vay số tiền 15 tỷ đồng tại Vietcombank-Chi nhánh BR-VT;  Công ty CP Thành Chí xin hỗ trợ giảm lãi vay tại BIDV-Chi nhánh Vũng Tàu-Côn Đảo; Công ty CP Công nghệ Việt Séc xin hỗ trợ giảm lãi vay tại BIDV-Chi nhánh Vũng Tàu…

Ban Chấp hành Thường trực Hội cũng đã gửi văn bản hướng dẫn nắm thông tin để kiến nghị với NH, tổ chức Hiệp hội DNNVV Trung ương để có các chính sách nhằm hỗ trợ DN. Song song đó, Hiệp hội vận động ủng hộ tương trợ trong hội viên, trong nội bộ DN để duy trì lao động và giữ chân lao động sau khi hết dịch trở lại sản xuất kinh doanh bình thường.   

•Xin cảm ơn ông!

THU THẢO (Thực hiện)

 
;
.