ÔNG TRẦN QUỐC KHÁNH, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ LĐTBXH

Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Chủ Nhật, 15/09/2019, 19:25 [GMT+7]
In bài này
.

Tính đến năm 2019, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện đạt và vượt các mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo; cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở; không còn xã, ấp đặc biệt khó khăn… Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết: tỉnh tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ giúp hộ nghèo vươn lên làm kinh tế, ổn định cuộc sống, thoát nghèo. Trong ảnh: Ông Vũ Viết Thu (xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) từng thuộc diện khó khăn được hỗ trợ vay vốn, làm trang trại nay cuộc sống đã khấm khá hơn.
Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ giúp hộ nghèo vươn lên làm kinh tế, ổn định cuộc sống, thoát nghèo. Trong ảnh: Ông Vũ Viết Thu (xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) từng thuộc diện khó khăn được hỗ trợ vay vốn, làm trang trại nay cuộc sống đã khấm khá hơn.

* Thưa ông, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện những giải pháp gì hỗ trợ người nghèo vươn lên?

- Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện chương trình giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 21.000 hộ nghèo, cận nghèo (chiếm tỷ lệ 8,2% tổng số hộ dân). Để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, ngày 4/8/2016, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 47/2016/NQ-HĐND về việc phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020. Tiếp đó, ngày 8/11/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3154/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thoát nghèo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu chung là đến cuối năm 2019, Bà Rịa - Vũng Tàu có trên 7.000 hộ thoát nghèo, cơ bản không còn hộ nghèo có thành viên là đối tượng thuộc diện chính sách, người có công; đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tỉnh giảm xuống dưới 1,5%, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.

Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã kịp thời xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch giảm nghèo có hiệu quả, bảo đảm tiến độ hoàn thành kế hoạch từng năm. Với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, tỉnh ưu tiên hỗ trợ về nguồn lực, chính sách về: con giống, nhà ở, nước sinh hoạt, tiền điện, miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho con em họ. Một số mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ cũng được triển khai, góp phần khai thác, phát huy thế mạnh của từng địa phương. Nhờ đó, số hộ dân tộc nghèo, cận nghèo giảm đáng kể so với đầu giai đoạn thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”.

Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ người nghèo học nghề, vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế. Ngoài nguồn vốn ngân sách bố trí, hàng năm UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên cũng huy động sự đóng góp của các cá nhân, DN để hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cấp học bổng, hỗ trợ khó khăn đột xuất và thăm hỏi, tặng quà... Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.000 hộ nghèo đã được cải thiện nhà ở từ nguồn Quỹ Vì người nghèo và ngân sách tỉnh.

* Theo ông, các sở, ngành, địa phương cần làm gì để đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra về giảm nghèo vào cuối năm 2020?

- Theo tôi các sở, ban, ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ chuỗi giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Thực hiện hiệu quả chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong vòng 3 năm được vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt theo mức tối đa 100 triệu đồng/hộ; đồng thời cấp thêm vốn đối với những hộ nghèo làm ăn có hiệu quả để tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Đối với hộ nghèo còn sức lao động, giải pháp lâu dài là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động để họ chủ động nắm bắt kiến thức, ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Mô hình đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường sẽ được nhân rộng, phát huy. Đặc biệt, cần gắn đào tạo nghề với tạo việc làm; tổ chức đào tạo ngắn hạn miễn phí cho người lao động thuộc hộ nghèo những nghề phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương… Người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vùng dân tộc thiểu số là đối tượng ưu tiên thụ hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, tìm công việc ổn định, nâng cao thu nhập.

Trong giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh giảm hơn 13.000 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 3,03% vào đầu năm 2019. Trong đó, đến cuối năm 2018 huyện Côn Đảo không còn hộ nghèo, cận nghèo.

* Trên địa bàn tỉnh còn một số đối tượng hộ nghèo diện đặc biệt là đối tượng chính sách và đối tượng bảo trợ xã hội. Tỉnh có chính sách gì dành riêng cho các đối tượng này?

- Đối với hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội không có khả năng thoát nghèo, Sở LĐTBXH đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND chính sách nâng mức trợ cấp thêm 320 ngàn đồng/người/tháng.

Ngoài ra, cần rà soát, xác định nguyên nhân nghèo của hộ nghèo có đối tượng thuộc diện chính sách, người có công để đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho phù hợp. Sở LĐTBXH cũng đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh chủ trương mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp với người có công với cách mạng, người hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp một lần từ 75 đến dưới 80 tuổi được hưởng trợ cấp xã hội. Bên cạnh đó, thông qua Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và nguồn vận động để hỗ trợ hộ nghèo có công không có khả năng tự thoát nghèo. Với hướng đi này, tôi tin rằng, chúng ta sẽ đạt mục tiêu, đến cuối năm 2020 toàn tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia và hộ nghèo người có công.

* Xin cảm ơn ông!

NHÃ UYÊN (Thực hiện)

;
.