15 Sự kiện tiêu biểu trong 30 năm xây dựng và phát triển

Thứ Năm, 16/12/2021, 18:03 [GMT+7]
In bài này
.

30 năm qua, BR-VT phát triển một cách mạnh mẽ, từng bước đưa BR-VT trở thành một tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao… Dấu ấn đó được thể hiện bằng những chủ trương, quyết sách phù hợp, mang tính đột phá, mang lại thành tựu kinh tế to lớn. 

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Báo BR-VT bình chọn 15 sự kiện tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đô thị, cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh trật tự.
Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

1. Xây dựng cụm công trình Nhà giàn DK1 trên biển

Ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra Chỉ thị số 180/CT về việc xây dựng cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ tại khu đá ngầm, thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, nay là tỉnh BR-VT và gọi tắt là DK1.

Việc xây dựng các nhà giàn DK1 nhằm 2 mục đích chính: Làm chỗ dựa cho ngư dân khai thác, đánh bắt thủy hải sản và làm “vành đai thép” bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển. Giai đoạn 1989-1998, các nhà giàn từ DK1/1, DK1/3, DK1/4... đến DK1/21 lần lượt được dựng lên ở các bãi Huyền Trân, Quế Đường và Cà Mau. 

Hiện nay có 15 nhà giàn tạo thành “tiền đồn thép” trên 6 bãi san hô ngầm ở các cụm: Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên, Tư Chính, Cà Mau với các tên gọi đặc biệt là: DK1/2, DK1/7, DK1/8, DK1/9, DK1/10, DK1/11, DK1/12, DK1/14, DK1/15, DK1/16, DK1/17, DK1/18, DK1/19, DK1/20, DK1/21.

Những nhà giàn sừng sững giữa biển khơi với những chiếc chân cắm sâu vào lòng biển đã trở thành cột mốc sống khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên Biển Đông.

2. Hệ thống nhà tù Côn Đảo được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt

Ngày 23/3/2013, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho hệ thống di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo (huyện Côn Đảo). 

Hệ thống nhà tù do Pháp lập nên từ năm 1862 và Mỹ, chính quyền Sài Gòn tiếp tục sử dụng để cầm tù những chí sĩ, người dân yêu nước và những người cộng sản đến năm 1975. 

Trong lịch sử, chính quyền thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập - “chuồng cọp” tại khu vực Côn Đảo. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể.

Nhà tù Côn Đảo được ví như “địa ngục trần gian” vì tính chất khốc liệt, dã man và là nhà tù lớn nhất Đông Dương. Trong hơn 110 năm tồn tại, đã có hơn 20.000 người Việt Nam yêu nước ngã xuống tại Côn Đảo.

Nhà tù Côn Đảo cũng là “Trường học Cộng sản” rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sĩ Cộng sản trên trận tuyến nhà tù, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của các thế hệ hoạt động cách mạng tiền bối cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

3. Đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh

Ngày 12/8/2006, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 61 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh (12/8/1991 - 12/8/2006). Tại sự kiện này, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ nhất. 

Đây là phần thưởng cao quý của Nhà nước - trao tặng nhân dân, cán bộ tỉnh BR-VT; là niềm vinh dự, nguồn cổ vũ to lớn, là sự đánh giá, khẳng định những đóng góp to lớn, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh BR-VT tiếp tục phấn đấu vì mục tiêu phát triển của chính mình và của cả nước.

Tại chương trình lễ kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (1991-2011) được tổ chức vào ngày 11/11/2011, Đảng bộ, quân và dân tỉnh BR-VT vinh dự được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Đây là lần thứ 2 tỉnh đón nhận được phần thưởng cao quý này.

4. Xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính - Chính trị, là khu chính trị - kinh tế - văn hóa hạt nhân của tỉnh tại TP. Bà Rịa

Ngày 2/5/2012, các cơ quan hành chính - chính trị cấp tỉnh của tỉnh BR-VT đã chính thức chuyển trụ sở làm việc từ TP. Vũng Tàu về Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh ở TP. Bà Rịa.

Được khởi công xây dựng từ năm 2007, đây là một trong dự án trung tâm hành chính chính trị cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước được quy hoạch và đầu tư mới theo mô hình tập trung, hiện đại, bảo đảm thực hiện tốt chức năng tập trung về một mối, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân thực hiện giao dịch hành chính công, liên hệ công tác và các công việc liên quan cũng như tạo sự kết nối cơ động giữa các sở, ban, ngành. Hơn nữa, việc chọn trung tâm hành chính chính trị của tỉnh tại TP. Bà Rịa là để ưu tiên phát triển du lịch cho TP. Vũng Tàu, đồng thời lấy TP.Bà Rịa làm hạt nhân phát triển cho các huyện lân cận và của cả BR-VT.

5. Khu công nghiệp đầu tiên tạo đà cho sự bứt phá của lĩnh vực công nghiệp

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II về “thành lập các KCN tập trung”, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban nghiên cứu, chuẩn bị dự án thành lập KCN tập trung. Ngày 29/7/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 485/TTg thành lập Ban Quản lý các KCN BR-VT (BIZA). 

Trong số các KCN được quy hoạch, KCN Mỹ Xuân A và KCN Đông Xuyên là 2 KCN được lựa chọn phát triển đầu tiên vào năm 1996. Trong đó, KCN Đông Xuyên - KCN đầu tiên của BR-VT được xây dựng tại phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu, đến nay hình thành ngành kinh tế mũi nhọn là công nghiệp đóng tàu.

Đến nay toàn tỉnh có 15 KCN với tổng diện tích 8.802ha. Việc bố trí, quy hoạch kề cận với hệ thống cảng đã tạo cho các KCN tỉnh có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chủ lực như khí điện đạm, công nghiệp chế biến chế tạo..

6. Xây dựng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Đầu thập niên 1990, nhận thấy những hạn chế của cụm cảng Sài Gòn, Chính phủ Việt Nam bắt đầu quan tâm tới xây dựng một cảng nước sâu mới phục vụ cho khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Cái Mép -Thị Vải được chọn lựa vì nó có độ sâu, nằm gần khu vực hội tụ sản xuất ở miền Đông Nam Bộ, lại nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế từ Hong Kong tới Singapore. Năm 1993, cảng Baria Serece là cảng nước sâu đầu tiên tại Việt Nam cũng là cảng đầu tiên được xây dựng tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Nhận thấy rõ những ưu điểm vượt trội nêu trên, các tập đoàn hàng hải, hãng tàu lớn của thế giới và nhà đầu tư trong nước lần lượt đầu tư các cảng container dọc tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải như SP-PSA, SITV, TCCT, TCIT, CMIT, SSIT, TCTT, với tổng công suất gần 7 triệu TEU/năm, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng lĩnh vực cảng biển - 1 trong 4 trụ cột kinh tế của BR-VT.

Đến nay Cái Mép - Thị Vải là một trong 21 cảng trên thế giới có thể đón tàu từ 200 ngàn tấn. Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ chở container đi trực tiếp châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua nước thứ 3.

7. Dòng khí đầu tiên được đưa vào bờ

Ngày 17/4/1995, khí đồng hành thu gom từ mỏ Bạch Hổ đã vận chuyển vào bờ, đưa đến trạm phân phối khí Bà Rịa, cung cấp khí cho Nhà máy điện Bà Rịa. Nhà máy điện Bà Rịa phát ra dòng điện bằng khí đầu tiên hòa vào lưới điện quốc gia vào lúc 14 giờ ngày 26/4/1995. Lễ đón nhận dòng khí đầu tiên vào bờ được tổ chức chiều ngày 1/5/1995 tại Bà Rịa. Đây là bước ngoặt đánh dấu một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của ngành công nghiệp khí Việt Nam.

Đến nay, hệ thống hạ tầng ngành công nghiệp khí Việt Nam tương đối hoàn chỉnh, gồm 5 hệ thống khí với trên 1.200km đường ống khí, 3 nhà máy xử lý khí, 13 kho chứa LPG công suất gần 100 ngàn tấn, hệ thống phân phối khí, sản phẩm khí trên toàn quốc... Đồng thời, tạo nên một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

8. Khởi công Dự án Hóa dầu Miền Nam 5,4 tỷ USD

Ngày 24/2/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn nút khởi công Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam. Dự án do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (liên doanh giữa Tập đoàn SCG - Thái Lan và PVN) làm chủ đầu tư, có diện tích 464ha mặt đất và 194ha mặt nước, với tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. 

Đến năm 2021, dự án đã đạt 70% tiến độ, dự kiến, khi đi vào hoạt động từ năm 2023, Tổ hợp Hóa dầu miền Nam có thể sản xuất 1,6 triệu tấn sản phẩm xăng, dầu và 2 triệu tấn nguyên liệu cho ngành nhựa như polyetylen, polypropylen và các sản phẩm khác; đồng thời đóng góp cho ngân sách nhà nước 60 triệu USD/năm. Trong quá trình xây dựng, dự án tạo công ăn việc làm cho hơn 15.000 lao động.

Dự án là tổ hợp hóa dầu được tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam với tổng công suất gần 4 triệu tấn sản phẩm hóa dầu một năm như ethylen, propylen, PP... những nguyên liệu cần thiết cho ngành nhựa, thay thế các sản phẩm mà Việt Nam đang phải nhập khẩu. 

9. Hoàn thành 100% chương trình điện khí hóa nông thôn

Chương trình điện khí hóa nông thôn trên địa bàn tỉnh được bắt đầu triển khai từ năm 1998, đến nay đã đạt nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi bộ mặt của nông thôn và hải đảo. Đến năm 2013, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 phê duyệt Chương trình mục tiêu Cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 - 2020. Từ hệ thống điện cũ nát, cung cấp điện thiếu hụt, đến nay tại BR-VT tỷ lệ hộ dân có điện đạt gần 100% (gồm cả số hộ sử dụng các nguồn điện tái tạo). 

Việc đầu tư hạ tầng điện nông thôn bằng nguồn vốn ngân sách đặc biệt được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đẩy mạnh thực hiện. BR-VT đã hoàn thành việc đưa lưới điện quốc gia về nông thôn, hoàn tất công tác bàn giao tiếp nhận lưới điện trung, hạ thế; xóa công tơ tổng để bán điện trực tiếp đến từng hộ dân; không còn trường hợp hộ dân nông thôn phải mua điện qua trung gian nên người dân nông thôn được hưởng giá điện như khu vực thành phố, theo khung giá quy định của Chính phủ.

Những kết quả về đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã làm thay đổi bộ mặt của khu vực nông thôn và hải đảo; tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển nông nghiệp và các ngành, nghề thủ công.

10. Cụm công trình hồ chứa nước Sông Ray - Đá Đen đi vào hoạt động - hình thành nguồn nước sạch có trữ lượng gần 250 triệu m3

Xác định nâng cấp hồ Đá Đen là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất đối với BR-VT, ngày 15/11/1995, Bộ NN-PTNT đã ra Quyết định số 28/QĐ-QLXD phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án hồ chứa nước Đá Đen và giao cho Ban Quản lý dự án thủy lợi 416 (Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư. 

Công trình hồ Đá Đen khởi công từ năm 1997, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2004, dung tích khoảng 34 triệu m3. Nhiệm vụ công trình theo thiết kế là cấp nước tưới cho 2.773ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt 110.000m3/ngày. Đến nay, hồ Đá Đen cấp nước tưới cho 1.314ha đất nông nghiệp của các huyện Châu Đức, TX. Phú Mỹ, TP. Bà Rịa; cấp nước sinh hoạt 500.000m3/ngày cho 90% dân cư trên địa bàn tỉnh.

Cùng với hồ Đá Đen, dự án Hồ chứa nước Sông Ray được Bộ NN-PTNT phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 2701 QĐ/BNN-KH ngày 6/9/2004 và phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 2096/QĐ-BNN-XD ngày 17/8/2005 với tổng mức đầu tư lên tới 3.000 tỷ đồng. Tháng 12/2005, chính thức khởi công và đến tháng 7/2013, công trình hồ chứa nước Sông Ray hoàn thành và bắt đầu tích nước. Công trình hồ chứa nước Sông Ray trải rộng trên diện tích 2.503ha, có cao trình đập nước 75m, dung tích 215 triệu m3.

Với việc đầu tư xây dựng 2 công trình hồ Đá Đen và Sông Ray đã hình thành nguồn nước sạch có trữ lượng lớn, cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, đến nay, 100% gia đình vùng nông thôn đã được sử dụng nước hợp vệ sinh.

11. Xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 27/11, UBND huyện Đất Đỏ tổ chức Lễ công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc công nhận xã Long Tân, huyện Đất Đỏ đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2014. Đây là xã đầu tiên trong số 6 xã điểm xây dựng NTM giai đoạn 2010-2012 được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Như vậy, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, diện mạo nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thay đổi rõ nét, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao. Tính đến nay, toàn tỉnh có 46/47 xã đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng NTM đạt khoảng 60 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia tại 45 xã xây dựng NTM còn 0,09%, 100% số xã đạt tiêu chí hộ nghèo; 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 đơn vị cấp huyện là TP. Bà Rịa, huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, 3 đơn vị cấp huyện còn lại là TX.Phú Mỹ, huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM.

12. Trường THCS Văn Lương nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND 

Năm 2018, Trường THCS Văn Lương (huyện Long Điền) vinh dự được đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. 

Trường THCS Văn Lương có tiền thân là trường tư thục mang tên “Vạn Lượng học đường” (sau đổi thành Văn Lương) được thành lập tại thị trấn Long Điền (huyện Long Điền) vào đầu năm 1955. Đây là trường học đầu tiên của Đảng trong vùng địch tạm chiếm. Vốn là một trường tư thục, song ngay từ những ngày đầu, Trường Văn Lương đã là ngôi trường dạy giỏi có tiếng.

Trong 7 năm (1955 - 1962) hoạt động, thầy trò Trường Văn Lương đã hoàn thành vai trò lịch sử mà Đảng giao phó, là cơ sở giáo dục duy nhất ở miền Đông Nam Bộ (thời kỳ chống Mỹ) do Đảng xây dựng và lãnh đạo hoạt động, góp phần đào tạo đội ngũ “hạt giống đỏ” cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được mệnh danh là “Mũi xung kích trong đấu tranh chính trị ở miền Đông Nam Bộ” từ sau Hiệp định Giơnevơ. Trường đã đào tạo trên 400 thanh thiếu niên, hơn 200 thầy cô giáo, HS đã xếp bút nghiên ra chiến khu tham gia cách mạng, hơn 50 HS ưu tú của trường được công nhận liệt sĩ cách mạng.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Huyện ủy, UBND huyện Long Đất (nay là huyện Long Điền) tiếp nhận cơ sở và đầu tư, sửa chữa, xây dựng lại cơ sở vật chất Trường Văn Lương. 

Năm 1993, trường tái thành lập và được đổi tên thành Trường THCS Văn Lương. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Trường Văn Lương năm xưa, Trường THCS Văn Lương ngày nay là Lá cờ đầu của ngành giáo dục huyện Long Điền nói riêng và tỉnh BR-VT nói chung.

13. Đường Hạ Long - Quang Trung - con đường đẹp nhất Việt Nam 

Đường Hạ Long - Quang Trung là tuyến giao thông ven biển quan trọng của TP.Vũng Tàu có chiều dài 6,3km, bắt đầu từ ngã ba Thùy Vân - Phan Chu Trinh đến Đèn xanh thuộc đường Trần Phú. Tuyến đường chạy dọc dưới chân núi Lớn, núi Nhỏ có nhiều khu du lịch nổi tiếng như Bạch Dinh, Bãi Trước, Bãi Dứa, mũi Nghinh Phong, Bãi Dâu và khu du lịch Bãi Sau. 

Vì vậy, đây không chỉ là tuyến đường giao thông quan trọng phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội mà còn là công trình kiến trúc độc đáo tạo vẻ mỹ quan đặc sắc cho thành phố biển Vũng Tàu. Bởi vậy, người dân Vũng Tàu vẫn thường gọi các tuyến đường này với một tên chung là tuyến đường du lịch.

Đường Hạ Long- Quang Trung được hoàn thành vào năm 1995 và năm 2002 đã được Bộ GTVT bình chọn là đường đô thị đẹp nhất Việt Nam.

14. Lần đầu tiên BR-VT có Huy chương Vàng Olympic toán học quốc tế

Năm 2017, BR-VT lần đầu tiên có HS giành Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế (IMO) (giải thưởng Toán học danh giá bậc nhất dành cho học HS THPT) với điểm số thủ khoa- em Hoàng Hữu Quốc Huy, HS Trường chuyên Lê Quý Đôn. 

Sự kiện này được coi là một “kỳ tích”, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của BR-VT, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn. Đây cũng là thành quả lớn nhất của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, ngôi trường được thành lập năm 1991, nơi mà HS của trường đã “gặt hái” được gần 1.000 giải quốc gia, hàng ngàn Huy chương Olympic 30/4 khu vực phía Nam, đặc biệt là thành tích Thủ khoa IMO năm học 2016 - 2017.

15. Xây dựng Bệnh viện Bà Rịa 700 giường bệnh, quy mô lớn nhất Đông Nam bộ

Đầu năm 2015, Bệnh viện Bà Rịa với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng đã khánh thành và đưa vào sử dụng tại phường Long Tâm, TP. Bà Rịa. Đây là công trình bệnh viện có quy mô và mức đầu tư lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ. 

Công trình có diện tích xây dựng trên 67.000m2, cao 17 tầng gồm 700 giường bệnh và các khu chức năng riêng biệt được trang bị trang thiết bị hiện đại đạt chuẩn quốc tế.

Đây là công trình bệnh viện có quy mô lớn nhất khu vực miền Đông Nam Bộ, được thiết kế theo hướng hiện đại, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Với cơ sở hạ tầng khang trang, trang thiết bị y tế tại bệnh viện mới cũng được tỉnh đầu tư tương xứng. Nhiều loại máy móc hiện đại phục vụ công tác khám, chẩn đoán và điều trị lần đầu tiên được trang bị cho Bệnh viện Bà Rịa như: máy DSA (máy chạy mạch máu xóa nền phục vụ điều trị bệnh về tim mạch); máy chụp nhũ ảnh phát hiện sớm bệnh ung thư vú; máy tán sỏi; máy chụp CT scaner 128 lát cắt, MRI, X-quang kỹ thuật số, hệ thống xét nghiệm sinh hóa hiện đại vận chuyển tự động… 

Với quy mô và mức đầu tư lớn, cùng với sự nỗ lực của ngành y tế, Bệnh viện Bà Rịa đã và đang đem lại niềm vui, sự kỳ vọng cho người dân cũng như đối với đội ngũ y, bác sĩ và cũng là niềm tự hào ngành y tế tỉnh BR-VT.

;
.