.

Tăng giá trị nông sản qua tiêu chuẩn VietGAP

Cập nhật: 16:35, 18/04/2025 (GMT+7)

Giữa bối cảnh sản phẩm nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGP đã trở thành xu hướng tất yếu, giúp nâng cao giá trị nông sản và bảo vệ môi trường. Việc đạt được các chứng nhận này là cơ sở để sản phẩm địa phương khẳng định vị thế trên thị trường, từ siêu thị trong nước đến các thị trường quốc tế khó tính.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc HTX Dưa lưới An Farm kiểm tra chất lượng sản phẩm, trước khi dưa lưới đóng thùng vận chuyển lên TP.Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc HTX Dưa lưới An Farm kiểm tra chất lượng sản phẩm, trước khi dưa lưới đóng thùng vận chuyển lên TP.Hồ Chí Minh.

Trồng rau đay, ớt xuất khẩu                                                      

Tại xã Châu Pha, một trong những vùng trồng rau màu lớn của TP.Phú Mỹ, chúng tôi gặp anh Nguyễn Viết Tự, một nông dân đã có gần 10 năm kinh nghiệm trồng các loại rau.

HTX Sản xuất Nông nghiệp và Dịch vụ Châu Pha do anh Tự làm giám đốc đã liên kết với gần 60 hộ nông dân trên địa bàn. Với diện tích canh tác khoảng 45ha, HTX này chuyên sản xuất và cung cấp các loại rau ăn lá, củ, quả tươi cho chuỗi các siêu thị Co.op, Bách Hóa Xanh, một số cửa hàng rau an toàn, các bếp ăn trường học và khu công nghiệp.

Hai năm trở lại đây, HTX đã liên kết với các DN trồng thêm các giống mới như: rau đay, lá lốt, ớt, hương nhu trắng, tía tô, ngò gai, kinh giới… xuất đi thị trường EU, với sản lượng khoảng 2 tấn/tuần. Đây cũng là một trong số ít những HTX xuất khẩu các loại rau ăn lá, mang lại lợi nhuận tốt cho các hộ thành viên.

“Khi mới bắt đầu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc thay đổi thói quen canh tác truyền thống. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, tôi từng bước làm quen với các quy trình sản xuất an toàn từ khâu trồng, sơ chế, đến xuất khẩu nông sản. HTX chuyển đổi phương thức sản xuất xanh nhằm bảo vệ môi trường và sức khoẻ con người”, anh Tự chia sẻ.

HTX đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng vườn ươm và máy gieo hạt 6 trong 1, giúp giảm đáng kể lao động trong quá trình sản xuất. Theo anh Tự, nông dân cứ nghĩ phải làm tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP thì mới đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, nhưng thực tế chỉ cần đem mẫu sản phẩm đi test không tồn dư thuốc và các chất bị hạn chế là đủ chuẩn xuất khẩu. Nhiều loại rau, lá đang là thế mạnh xuất khẩu của HTX đều là những cây dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, chỉ cần bón lót 1 lớp phân hữu cơ trước khi trồng, kỹ lưỡng trong khâu chọn giống.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 372 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với quy mô diện tích 5.168,4ha (gồm: cây ăn quả, hồ tiêu, rau các loại, dưa lưới, cacao…), ước sản lượng cung cấp ra thị trường 98.406 tấn/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 28,02%, tăng hơn 2% so năm 2023.

Lợi ích kinh tế và môi trường

Tại ấp Tân Hòa, xã Long Tân (huyện Long Đất), 2 khu nhà màng trên diện tích khoảng 4.000m2 của nông dân Phan Thanh Hùng đang thu hoạch những trái dưa lưới căng tròn, vàng óng ánh. Đây là một trong 4 vùng trồng dưa lưới (xã Suối Rao, Đá Bạc-huyện Châu Đức; xã Long Tân, Phước Long Thọ-huyện Long Đất) của HTX Dưa lưới An Farm, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp nâng cao giá trị nông sản và mở ra hướng đi bền vững cho người nông dân.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc HTX Dưa lưới An Farm, VietGAP không chỉ yêu cầu nông dân tuân thủ các quy trình sản xuất an toàn mà còn phải ghi chép đầy đủ các thông tin về quá trình canh tác, từ khâu chuẩn bị đất, giống, đến việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Điều này giúp nông dân kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt hơn và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

“Trước đây, tôi chỉ bán dưa lưới qua các thương lái, nhưng khi có chứng nhận VietGAP, giá bán đã tăng lên từ 20-30%, sản phẩm được đưa vào các chuỗi siêu thị, Bách Hóa Xanh tại các tỉnh, thành phố. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những sản phẩm an toàn”, ông Tuấn cho biết thêm.

Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, VietGAP còn góp phần bảo vệ môi trường. Việc hạn chế sử dụng hóa chất độc hại và áp dụng các biện pháp canh tác bền vững giúp cải thiện chất lượng đất và nước, bảo vệ hệ sinh thái xung quanh.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành công, nhưng việc áp dụng VietGAP vẫn còn nhiều thách thức. Nhiều HTX, nông dân vẫn còn e ngại về chi phí đầu tư ban đầu và quy trình kiểm tra, chứng nhận. Theo bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, khu vực KTTT với nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác đã có những chuyển biến tích cực từ thay đổi nhận thức, tư duy đến hành động thực tiễn, ngày càng phát triển về quy mô, số lượng, đa dạng các ngành nghề, sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Liên minh HTX đang nỗ lực tuyên truyền, kết nối thị trường để giúp HTX, nông dân hiểu rõ hơn về lợi ích của VietGAP. Các chính sách hỗ trợ về tài chính, chi phí đăng ký chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cũng cần được quan tâm, nhằm giúp HTX, nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Các sở ngành, địa phương cần nắm bắt thực tiễn, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực đồng bộ, thúc đẩy khu vực KTTT phát triển. Chỉ khi tất cả cùng chung tay, chúng ta mới có thể xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, nơi mà sản phẩm an toàn và chất lượng sẽ là tiêu chí hàng đầu trong lòng người tiêu dùng”, bà Loan cho hay.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG-DƯƠNG TRĂM

 
.
.
.