Khơi thông dòng vốn FDI
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được xem là một trong những động lực quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025 cũng như giai đoạn tiếp theo. Nhiều chính sách đang được các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư này trong kỷ nguyên mới.
![]() |
Người lao động Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (TP.Vũng Tàu) kiểm tra máy móc tại dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, dự án có vốn đầu tư FDI hơn 5,1 tỷ USD. Ảnh: HÀ AN |
Điểm đến đầu tư hấp dẫn
Báo cáo mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/3/2025 đã đạt 10,98 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Những dữ liệu này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn rất vững chắc. Tại hội nghị Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam, do Bộ Tài chính tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh ngày 28/3 vừa qua, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài cũng chia sẻ thông điệp này.
Theo ông Jeong Jihoon, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), trong bối cảnh dòng vốn đầu tư vào nhiều quốc gia trên thế giới đang chững lại, Việt Nam vẫn duy trì mức thu hút FDI ấn tượng. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhiều lợi thế phát triển, vì Việt Nam đang tích cực triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn như đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, nhà máy điện hạt nhân và nhà máy điện khí.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D), ưu đãi mạnh mẽ cho ngành công nghệ thông tin và công nghệ cao. Đặc biệt, nhờ vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam có hệ thống logistics và giao thông phát triển; đồng thời duy trì sự ổn định về mặt ngoại giao, giúp giảm bớt rào cản trong hoạt động xuất nhập khẩu.
“Với những lợi thế đó, các doanh nghiệp trên thế giới, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, đánh giá cao tiềm năng đầu tư FDI vào Việt Nam và coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu khi xem xét mở rộng đầu tư ra nước ngoài”, ông Jeong Jihoon cho biết.
Ông Yee Chung Seck, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại TP.Hồ Chí Minh cũng cho rằng, Việt Nam là một ngôi sao đang lên trong nền kinh tế toàn cầu và quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Việt Nam đã chủ động trong việc thu hút FDI. Những nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thuế quan và ưu đãi thuế đã giúp các doanh nghiệp nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam dễ dàng hơn. Đặc biệt, việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác nhau, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận thị trường.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Marc Woo, Tổng giám đốc Google Việt Nam cho biết, Việt Nam là đối tác quan trọng của Google, với nhiều khoản đầu tư vào hỗ trợ start-up và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Việc Google mở văn phòng tại TP.Hồ Chí Minh gần đây cũng thể hiện cam kết lâu dài của tập đoàn ở thị trường Việt Nam.
Tháo gỡ các điểm nghẽn
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng hoạt động thu hút FDI vẫn tồn tại một số vướng mắc, khó khăn. Trong thực tế triển khai đầu tư và hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp FDI vẫn gặp không ít khó khăn do thủ tục hành chính chưa thực sự thông suốt, việc thực thi chính sách thuế còn thiếu nhất quán và khó dự đoán.
Việt Nam có lợi thế lớn về lực lượng lao động trẻ và năng động, nhưng vẫn còn những lỗ hổng kỹ năng cần được giải quyết để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp FDI cho rằng, để thu hút và giữ chân nhà đầu tư, Việt Nam cần có nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Theo ông Nitin Kapoor, Phó Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), thu hút đầu tư nước ngoài bền vững và chất lượng cao là chìa khóa giúp Việt Nam phát triển lâu dài. Để tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư, điều quan trọng là chính sách cần nhất quán, rõ ràng và có tính dự báo cao. Điều này đặc biệt cần thiết đối với các lĩnh vực đòi hỏi đầu tư dài hạn như công nghệ cao, năng lượng tái tạo và hạ tầng.
ANH ĐỨC