Gỡ nút thắt, sớm đưa các cụm công nghiệp hoạt động
Cơ quan chức năng đang nỗ lực tháo gỡ các “nút thắt”, chủ yếu liên quan đến cơ chế, pháp lý để sớm đưa các CCN đi vào hoạt động, qua đó giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
![]() |
Công nhân sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH Quốc tế Việt An (KCN Hắc Dịch, TP. Phú Mỹ). |
Vướng mắc nhiều năm
Theo báo cáo của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 CCN đã thành lập, trong đó có 7 CCN đã có dự án thứ cấp đi vào hoạt động gồm: Ngãi Giao, An Ngãi, Hắc Dịch 1, chế biến hải sản Lộc An và chế biến thực phẩm Long Phước (đã hoàn thiện) và Boomin Vina, Tóc Tiên (đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật). Các CCN này đã thu hút 31 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lấp đầy 61,51%.
Tuy nhiên, cùng với 2 dự án đang xây dựng hạ tầng là CCN Hồng Lam và Phước Thắng, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 2 CCN đã đầu tư hoàn chỉnh nhiều năm nhưng đến nay chưa thể hoạt động.
Cụ thể, CCN Hòa Long do UBND TP.Bà Rịa làm chủ đầu tư, triển khai xây dựng từ năm 2014 có tổng diện tích 8,5ha, vốn đầu tư hơn 157 tỷ đồng; mục tiêu trở thành nơi di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại địa phương. Còn CCN chế biến hải sản Bình Châu được khởi công vào năm 2014, hoàn thành xây dựng hạ tầng vào năm 2019 trên tổng diện tích là hơn 21ha.
Cả 2 dự án này hoàn thành đều được địa phương bàn giao cho Công ty Đầu tư và khai thác Hạ tầng Khu công nghiệp Đông Xuyên và Phú Mỹ 1 (IZICO-đơn vị thuộc Ban Quản lý các KCN tỉnh) quản lý.
Tuy nhiên, thời điểm đó muốn đủ điều kiện để mời các đơn vị thứ cấp thuê hạ tầng thì IZICO phải đóng tiền thuê đất hàng năm để có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đơn vị không có kinh phí, Nhà nước cũng không có cơ sở để hỗ trợ theo quy định, nên IZICO không đủ điều kiện để cho thuê hạ tầng. Đây là một trong những vướng mắc lớn làm một số CCN trên địa bàn tỉnh “bất động” trong nhiều năm.
![]() |
Cơ quan chức năng đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc sớm đưa các CCN đi vào hoạt động hiệu quả. Trong ảnh: CCN Hòa Long, TP.Bà Rịa. |
Giải quyết dứt điểm vướng mắc
Nhằm tháo gỡ các vướng mắc để sớm đưa các CCN đi vào hoạt động, qua đó giải quyết dứt điểm một trong những nguyên nhân lớn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, UBND tỉnh đã quyết định chuyển giao nhiệm vụ quản lý, khai thác hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật các CCN được đầu tư từ nguồn ngân sách (gồm Lộc An, Long Phước, Hòa Long, Bình Châu) từ IZICO sang Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (trung tâm). Việc chuyển giao với các quy định của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN.
Theo ông Đinh Trọng Cường, Giám đốc trung tâm, từ đó đến nay, những vướng mắc trong cơ chế hoạt động của CCN do Nhà nước đầu tư đã dần được tháo gỡ. Cụ thể, cuối năm 2024 và đầu năm 2025, các dự án này đều đã được UBND tỉnh ban hành quyết định về đơn giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật.
Như tại CCN chế biến thực phẩm Long Phước, TP.Bà Rịa, qua rà soát, 7 cơ sở thuộc đối tượng di dời đã nộp hồ sơ đăng ký thuê đất với diện tích khoảng 2,15ha, đạt 46% tổng diện tích cho thuê của dự án. Còn tại CCN Lộc An, huyện Đất Đỏ, trung tâm đã ký hợp đồng sử dụng hạ tầng kỹ thuật với 9 DN, cơ sở và đang đàm phán ký kết với các đơn vị còn lại.
“Hiện nay, trung tâm đang thỏa thuận nguyên tắc về vị trí, địa điểm, diện tích đất công nghiệp dự kiến cho thuê phù hợp từng cơ sở, tại từng CCN để thực hiện các thủ tục thuê đất, đầu tư, xây dựng, môi trường theo quy định”, ông Cường thông tin thêm.
Tuy nhiên, qua các buổi khảo sát, làm việc với chủ DN và các cơ sở đăng ký thuê đất tại một số CCN, dù họ cơ bản đồng ý với chủ trương di dời để bảo vệ môi trường, nhưng cũng bày tỏ lo ngại về mức giá thuê đất còn cao.
Ông Nguyễn Viết Toại, đại diện một cơ sở sản xuất thuộc diện di dời vào CCN Hòa Long, cho biết, phí thuê cao nhưng mức hỗ trợ theo Nghị quyết 41 năm 2018 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025 còn thấp, khiến DN sẽ gặp khó khăn khi di dời.
Về kiến nghị này, ông Cường cho biết, Trung tâm sẽ báo cáo với Sở Công Thương, phối hợp với các đơn vị liên quan kiến nghị với UBND tỉnh và các cơ quan có trách nhiệm sớm xem xét, xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho các DN, cơ sở di dời vào CCN.
Bài, ảnh: QUANG VINH