Đảm bảo tiếp cận tài chính rộng khắp, bao trùm, toàn diện, bình đẳng
Sáng 12/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; kết quả triển khai kết luận tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo; bàn các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện thời gian tới.
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo phân tích tình hình thế giới, khu vực, đề xuất các nhiệm vụ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Trong đó, các đại biểu cho rằng, tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, khó lường, xu hướng phát triển dựa vào khoa học, công nghệ ngày càng rõ; mô hình quản lý, phương thức cung cấp tài chính cũng chuyển đổi; kèm theo đó, tội phạm trên không gian mạng khiến rủi ro gia tăng…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia là một chiến lược có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; giúp cho mọi người dân và doanh nghiệp tiếp cận được những nguồn lực và các dịch vụ tài chính cần thiết cho phát triển, góp phần nâng cao mức sống của người dân, thúc đẩy tiết kiệm và đầu tư, từ đó mang lại những lợi ích to lớn, tích cực cho xã hội và nền kinh tế như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm bất bình đẳng, ổn định tài chính, phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh xuyên suốt, cốt lõi của chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước là phát triển nhanh song phải bền vững, toàn diện, bao trùm: đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách; đảm bảo tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội; môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.
Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cần phải tập trung xử lý, giải quyết như: cần tiếp tục phát triển hợp lý và tăng độ bao phủ dịch vụ tài chính cung ứng cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn khó khăn; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho các tổ chức cung ứng phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại, tiện ích, an toàn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng phù hợp với bối cảnh phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.
Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng tài chính, kết nối liên thông giữa các cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra hệ sinh thái đồng bộ cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế; tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin để khách hàng tin tưởng sử dụng dịch vụ; công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao kiến thức, hiểu biết về tài chính và kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính cho người dân, giúp cho người dân thấy được sự tiện ích, an toàn và tự tin khi tham gia sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức…
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, đảm bảo hành lang pháp lý thông thoáng, đảm bảo công bằng; quản lý chặt chẽ, thúc đẩy phát triển, kiểm soát các dịch vụ trên môi trường số; phát triển hạ tầng tài chính, hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, toàn diện, bao trùm, đều khắp trên phạm vi cả nước, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tất cả các đối tượng; phát triển công dân số trên phạm vi cả nước, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thanh toán không dùng tiền mặt với lộ trình, bước đi phù hợp cho từng khu vực, lĩnh vực, đơn vị.
XUÂN NGUYỄN