Xanh thì sẽ bền vững
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, xu hướng phát triển xanh không chỉ được nhiều DN chủ động thực hiện mà còn là một hành trình kiên trì và bền bỉ mà địa phương đã theo đuổi vì mục tiêu phát triển bền vững.
Khách du lịch tham gia trồng cây tại Suối Rao Ecolodge, điểm đến Net Zero đầu tiên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Sản xuất phải sạch-sống phải xanh
Năm 2020, Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đã đưa Nhà máy giấy bao bì Kraft of Asia (KOA) đi vào hoạt động. Nhà máy KOA sản xuất giấy làm thùng carton, trụ sở tại KCN Phú Mỹ 3 (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) luôn ưu tiên phát triển xanh từ khi đi vào hoạt động. Theo đại diện KOA, quá trình tái chế giấy làm thùng carton phải sử dụng nhiều nước, năng lượng và nhiên liệu. Vì vậy, công ty đưa ra nhiều giải pháp để giảm ô nhiễm, giảm phát thải. Cụ thể, dây chuyền sản xuất giấy carton của KOA ngắn hơn các dây chuyền sản xuất giấy cơ bản. Quá trình rút gọn này giảm đi quy trình sấy làm khô giấy. Điều đó giúp tiết kiệm năng lượng. Nhà máy KOA cũng sử dụng khí gas làm nhiên liệu giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, nhà máy KOA không sử dụng da keo mà sử dụng chất tăng bền, tăng chống thấm cho giấy; sử dụng lò hơi để tận thu nhiệt cũng giúp giảm phát thải. Nguyên liệu đầu vào để làm giấy phần lớn là giấy phế liệu trong thành phố nên có nhiều tạp chất. Vì thế, nhà máy sau khi sản xuất xong rác thải không đưa ra ngoài mà dùng tái chế. Lượng rác thải ra hàng năm của nhà máy khoảng 38.000 tấn, được tận dụng làm nguyên liệu để tận thu nhiệt. Nhiệt phát ra dùng làm năng lượng cho quá trình sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính. “Với giải pháp này, hàng năm KOA đã giảm 24.500 tấn CO2, hiện lượng phát thải nhà máy chỉ còn khoảng 100 tấn CO2”, đại diện nhà máy KOA khẳng định.
Phong trào sống xanh cũng lan tỏa đến từng người dân, làng xóm. Những ngày này, về ấp Phước Thọ (xã Phước Hưng, huyện Long Đất), chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui, phấn khởi của người dân địa phương khi đi trên những con đường nông thôn sạch đẹp, thông thoáng. Đó là thành quả của việc thực hiện mô hình dân vận khéo “Tuyến đường cựu chiến binh quản lý vệ sinh môi trường, vận động các hộ dân đổ rác đúng nơi quy định”, của Hội Cựu chiến binh xã Phước Hưng.
Theo ông Nguyễn Văn Tôn (xã Phước Hưng), trước năm 2022, trên tuyến đường dài gần 1km đi qua các tổ 5, 7, 8, 14 thuộc ấp Phước Thọ, rác thải vứt bừa bãi cỏ mọc um tùm, nhếch nhác, ô nhiễm môi trường. Trước tình trạng trên, cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh xã đã phát huy tinh thần gương mẫu đi đầu cũng như tuyên truyền, vận động người dân ra quân vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, bỏ rác đúng nơi quy định.
“Mưa dầm thấm lâu”, từ một vài hộ gia đình tham gia, đến nay mô hình đã lan tỏa với quy mô 1.071 hộ. Hội cũng vận động cán bộ, hội viên, người dân đóng góp tiền lắp đặt 23 thùng đựng rác thải đặt tại 23 điểm trên đường với chiều dài gần 1km.
Ngay từ khi đi vào hoạt động, nhà máy KOA đã ưu tiên bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. |
Hành trình bền bỉ
Những năm gần đây, Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) của Bà Rịa-Vũng Tàu luôn tăng trưởng vượt bậc. Năm 2023, từ vị trí thứ 19, Bà Rịa-Vũng Tàu đã vươn lên thứ 8 cả nước trên bảng xếp hạng Chỉ số PGI. Kết quả này tiếp tục khẳng định mục tiêu phát triển bền vững, không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường của Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, từ nhiều năm qua, tỉnh luôn thu hút đầu tư có chọn lọc, có tiêu chí rõ ràng và công khai minh bạch thông tin để nhà đầu tư biết. Đó là “5 ít”: ít thâm dụng đất đai, ít tiêu tốn nhiên liệu, ít năng lượng, ít lao động và ít ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm đến nguồn năng lượng sạch, xanh, thúc đẩy thực hành xanh, khuyến khích và hỗ trợ DN gia nhập, mở rộng hoạt động trong các ngành sản xuất, kinh doanh xanh…
Theo ông Phạm Quốc Đăng, Phó Giám đốc Sở TN-MT, chỉ số PGI năm 2023 đã có bước thăng tiến vượt bậc nhưng Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn muốn chất lượng sống, môi trường đầu tư tốt hơn nữa. Theo đó, năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu giữ vững 2 chỉ số thành phần: Giảm ô nhiễm môi trường và thiên tai (năm 2023-7,66 điểm); đảm bảo tuân thủ (năm 2023-6,28 điểm). Đồng thời, Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu tăng điểm 2 chỉ số thành phần: Thúc đẩy thực hành xanh (năm 2023-4,44 điểm); Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ (năm 2023-5,09 điểm). Từ đó, góp phần cải thiện, tăng điểm Chỉ số PGI so với những năm trước.
Để đạt được mục tiêu này, Bà Rịa-Vũng Tàu khuyến khích DN chuyển đổi phương thức kinh doanh xanh, thúc đẩy ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, thời gian tới, ngành TN-MT sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh triển khai các dự án (đê, kè biển; dự án thoát nước; dự án xử lý nước thải đô thị); vận hành mạng quan trắc tài nguyên nước; tăng cường bảo vệ vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh…
Bài, ảnh: QUANG VŨ