Phát triển công nghệ xanh hướng tới mục tiêu Net Zero
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xanh để bảo vệ môi trường, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần vào mục tiêu Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, là định hướng phát triển mà nhiều DN đang thực hiện.
Heineken Việt Nam năm 2023 giảm hơn 93% lượng phát thải CO2 trong sản xuất so với năm 2018 và đặt mục tiêu đạt Net Zero trong sản xuất vào năm 2030. Trong ảnh: Nhà máy Heineken Vũng Tàu (KCN Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ). |
Công nghệ xanh giảm phát thải
Công ty Chế biến khí Vũng Tàu (trực thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam - PV GAS) có chức năng quản lý vận hành các công trình khí trên địa bàn tỉnh, gồm: Nhà máy Xử lý Khí Dinh Cố, Kho cảng PVGAS Vũng Tàu, Kho LPG Gò Dầu. Nhiệm vụ chính của công ty là tiếp nhận và xử lý nguồn khí ẩm; nhập, tàng chứa LNG và xuất LNG tái hóa; thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ kho, cảng.
Trong quá trình sản xuất và kinh doanh, công ty luôn đặt trọng tâm phát triển công nghệ xanh, sạch nhằm giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Ông Bùi Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty chế biến khí Vũng Tàu cho biết, trong những năm qua công ty đã triển khai hàng loạt các biện pháp và giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cũng như giảm phát thải.
Công ty đã nghiên cứu, đánh giá khả năng vận hành và thực hiện việc dừng vận hành hệ thống trạm nén khí đầu vào, máy phát điện chạy khí giúp giảm một lượng lớn khí phát thải; triển khai các giải pháp tối ưu hoạt động vận hành, bảo dưỡng sửa chữa, tối ưu hóa chi phí và sử dụng tiết kiệm năng lượng trong từng cụm/nhóm thiết bị tại các công trình khí.
Ông Dũng cho biết, PV GAS đã xây dựng chiến lược về chuyển dịch năng lượng và định hướng các sản phẩm mới phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng áp dụng trong toàn hệ thống và các chi nhánh, công ty con. PV GAS cũng đang nghiên cứu các phương án sản xuất, tồn chứa, phân phối, sử dụng H2 phát thải thấp và sử dụng khí tự nhiên làm nguyên liệu cho hóa dầu.
Trong khi đó, Heineken Việt Nam lại có kế hoạch đạt Net Zero trong sản xuất vào năm 2030 và trong toàn bộ chuỗi giá trị năm 2040. Để thực hiện mục tiêu này, công ty ưu tiên việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo và thực hành tốt kinh tế tuần hoàn. Hiện tại, Heineken Việt Nam, bao gồm cả Nhà máy ở Vũng Tàu, sử dụng 99% năng lượng tái tạo trong sản xuất và không còn rác thải chôn lấp tại tất cả các nhà máy từ năm 2021.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Trưởng bộ phận phát triển bền vững Công ty Heineken Việt Nam cho biết, toàn bộ phụ phẩm và phế phẩm trong quá trình sản xuất đều được tái chế, tái sử dụng, hoặc biến thành những sản phẩm hữu ích để đưa vào chuỗi giá trị khác. “Đơn cử, bùn thải sau khi qua hệ thống xử lý nước thải, được tái sử dụng thành phân bón và đất sạch, hay khí sinh học sinh ra trong quá trình này đều được thu hồi và sử dụng làm nhiệt năng cho quá trình nấu bia.
Nhờ những nỗ lực này, năm 2023, tất cả các nhà máy của Heineken Việt Nam giảm đến 93% lượng phát thải CO2 trong sản xuất so với năm 2018. Riêng Nhà máy ở Vũng Tàu tỷ lệ này còn cao hơn mức chung của Heineken cả nước”, ông Hoàng chia sẻ.
Nhà máy xử lý khí Dinh Cố (huyện Long Đất), thuộc Công ty Chế biến khí Vũng Tàu quản lý, áp dụng nhiều công nghệ xanh nhằm giảm phát thải khí, bảo vệ môi trường. |
Kinh tế xanh hướng tới Net Zero
Theo đánh giá của các chuyên gia, Bà Rịa - Vũng Tàu có tiềm năng lớn để thực hiện các chương trình Net Zero do tính chất kinh tế năng động và cơ sở hạ tầng hiện đại. Là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, địa phương có thể áp dụng các công nghệ sản xuất xanh, giảm phát khí thải công nghiệp, phát triển năng lượng tái tạo, đẩy mạnh điện khí, điện gió ngoài khơi, sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), phát triển giao thông vận tải hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao,… Ngày 1/12/2024, trong chuỗi sự kiện về dầu khí và điện gió ngoài khơi, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh định hướng đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm năng lượng, trung tâm điện gió ngoài khơi không chỉ của quốc gia mà còn của khu vực, thế giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cho biết, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch theo lộ trình giảm phát thải để đạt Net Zero. Các cơ quan chức năng đã tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn về kiểm kê khí nhà kính gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh.
Tỉnh cũng đã triển khai Bản ghi nhớ với chính quyền thành phố Sakai, Nhật Bản trong lĩnh vực môi trường, hướng tới xây dựng “Thành phố không carbon”, “Kinh tế tuần hoàn” và khả năng phát triển dự án áp dụng Cơ chế tín chỉ chung; triển khai “Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Xây dựng khu công nghiệp kiểu mẫu/khu công nghiệp thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành khu công nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.
Đồng thời, tỉnh đang triển khai đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Qua đó, định hướng đưa Côn Đảo trở thành huyện đảo tiên phong và hình mẫu điển hình trong áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nước và khu vực.
Với những nỗ lực đó, năm 2023, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của Bà Rịa - Vũng Tàu xếp thứ 8 cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2022 và đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Bộ.
Bài, ảnh: NGỌC MINH