Công tác chống khai thác IUU có nhiều chuyển biến tích cực
Ngày 14/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị trực tiếp và trực tuyến toàn quốc lần thứ XII về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, chuẩn bị đón Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 5, dự kiến vào quý II/2025.
Cán bộ Đồn biên phòng Bình Châu tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân ở cảng Bến Lội-Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). |
Báo cáo tại hội nghị, đại diện Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, trong cuộc họp trực tuyến gần nhất với EC vào tháng 11/2024, EC ghi nhận, đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý qua việc ban hành kịp thời Nghị định số 37, 38 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đã tiếp thu cơ bản đầy đủ các khuyến nghị của EC trong 2 Nghị định.
Đặc biệt, Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao (có hiệu lực từ ngày 1/8/2024) đã ban hành hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự để xử lý các hành vi liên quan đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc răn đe, giáo dục trong cộng đồng ngư dân.
Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT để xử lý đối với tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép). Trong năm qua, các địa phương đã khẩn trương thực hiện, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc xử lý tàu cá “3 không”. Hiện cả nước còn 888 tàu cá chưa đăng ký, chủ yếu là tàu đã hư hỏng, không còn khả năng hoạt động, một số chủ tàu không có nhu cầu đăng ký để đi hoạt động và một số tàu không còn tồn tại tại địa phương.
Hiện cả nước có 84.536 tàu cá, trong đó đã cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn cho đội tàu từ 15m trở lên đạt 90,3% (25.942/28.728 tàu). 100% tàu cá trên 15m hoạt động vùng khơi đều đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành, bộ, ngành đã phản ánh những tồn tại, khó khăn và kiến nghị các phương án giải quyết trong công tác chống khai thác IUU, chủ yếu về việc xử phạt vi phạm IUU vượt ranh giới đánh bắt vùng biển nước ngoài, mất kết nối máy giám sát hành trình, truy xuất nguồn gốc hải sản xuất khẩu ở cảng cá,…
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành các chương trình, kế hoạch hành động nhằm khắc phục các tồn tại hạn chế trong công tác chống khai thác IUU.
Hiện tỉnh có 5.248 tàu cá, trong đó tàu hoạt động vùng khơi là 2.497 tàu (chiếm 47,59%). Tỉnh đã giải quyết 100% tàu cá “3 không” và cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 1.076 tàu.
Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác được thực hiện chặt chẽ hơn trước tại các cảng cá và DN. Từ tháng 7/2024 các cảng cá đã hướng dẫn chủ tàu thực hiện khai báo thông tin trên phần mềm điện tử quốc gia.
Công tác xử lý các vi phạm chống khai thác IUU đã được tỉnh đẩy mạnh xử lý nghiêm. Đặc biệt là các trường hợp xuất cảnh trái phép đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tháo gửi, vận chuyển thiết bị VMS, xác nhận sai nguyên liệu… tỉnh đã đưa ra xử lý hình sự, truy tố 5 vụ/9 bị can. Các vụ việc được đưa ra xét xử lưu động để tuyên truyền, tạo tính răn đe trong người dân.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận những nỗ lực ở các bộ, ban, ngành và địa phương trong công tác chống khai thác IUU thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Phó Thủ tướng khẳng định đây là trách nhiệm, nhiệm vụ trường kỳ của cả hệ thống chính trị, cơ quan quản lý và ngư dân cả nước nhằm hướng đến một nghề cá phát triển bền vững, không thực hiện qua loa, đối phó.
Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý, hệ thống dữ liệu, phần mềm quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, xử lý vi phạm IUU một cách khoa học hơn, có phân quyền nhiệm vụ rõ ràng, cấp nào có trách nhiệm xử lý vi phạm và tổ chức các đợt thanh tra trong ngành, liên ngành, ở các địa phương,…
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH