Phân loại rác tại nguồn lan tỏa đến từng nhà
NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Để thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn (PLRTN) trong cộng đồng dân cư, nhiều địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đồng thời phát tặng thùng rác cho người dân.
Phường 9 (TP. Vũng Tàu) thực hiện việc PLRTN ngay tại cơ quan, công sở. |
Người dân thấy lợi ích của việc phân loại rác
Thay vì các loại rác bỏ vào một túi ni-lông như trước đây thì hơn 6 tháng qua chị Phạm Thị Hoa (46 Hoàng Việt, phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu) đã phân ra làm 3 loại: rác hữu cơ, rác tái chế và rác còn lại vào 3 thùng rác khác nhau. Rác hữu cơ là các loại rau bị loại bỏ, vỏ trứng, cơm thừa… được chị gom vào một thùng rồi ủ thành phân bón cho cây cối trên sân thượng.
Rác có khả năng tái chế được như chai nhựa, lon bia, bìa carton… thì được để riêng rồi bán ve chai. Những thứ còn lại không thể tái chế, tái sử dụng được chị Hoa cho vào thùng rác để đơn vị thu gom rác đến lấy.
“Nhờ cách làm này, lượng rác cần phải thu gom, xử lý đã giảm đi 1/2 so với trước đây. Nếu tất cả các gia đình đều PLRTN, cùng giảm lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày thì lượng rác cần phải thu gom, xử lý sẽ giảm đi đáng kể”, chị Hoa nói.
Từ ngày 5/6/2022, thôn 1 (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) được chọn là nơi thí điểm thực hiện dự án “PLRTN, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn”. Đây là địa phương đầu tiên trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện PLRTN và duy trì hiệu quả cho đến nay.
Theo ông Đoàn Thanh Hùng (thôn 1, xã Long Sơn), trước đây khi chưa triển khai hoạt động này, người dân trong thôn mạnh ai nấy đổ rác ra dọc đường, nên dọn dẹp rất cực. Từ khi phân loại, các thùng rác có đơn vị đến thu gom, ý thức của người dân cũng được nâng lên.
“Nếu không thực hiện thì không có môi trường sạch, không khí sẽ không trong lành, nên tôi tự mình làm trước. Phân loại xong bán các loại rác tái chế cũng mua được các thứ lặt vặt, lợi cả đôi đường”, ông Hùng bày tỏ.
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, giờ đây, PLRTN đã dần trở thành thói quen của gần 800 hộ dân thôn 1 (xã Long Sơn). Đến nay, 100% số hộ đã thực hiện phân loại rác đúng quy định.
Không chỉ hướng dẫn phân loại, nhiều địa phương còn hỗ trợ thùng rác để người dân tiếp cận nhanh hơn với chủ trương PLRTN.
Đường Lê Duẩn, một trong những tuyến đường huyết mạch và đông dân cư của TP.Bà Rịa. Để đảm bảo vệ sinh môi trường tại tuyến đường cũng như góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác, phường Phước Nguyên đã trao tặng 196 thùng rác cho 98 hộ dân, mỗi hộ 2 thùng với 2 màu khác nhau để phân loại rác vô cơ và hữu cơ…
Ông Nguyễn Thanh Huấn (phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) cho biết: “Thùng rác này rất có tác dụng vì nó phân loại rác ngay từ đầu nguồn. Nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nên người dân có thêm động lực để thực hiện PLRTN”.
Tại Quyết định số 17/2024/QĐ-UBND, UBND tỉnh yêu cầu, rác thải phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại thành 3 loại: chất thải thực phẩm; chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng (giấy thải, nhựa thải, thủy tinh, cao su…); khác (chất thải rắn cồng kềnh có kích cỡ lớn và chất thải nguy hại gồm bóng đèn huỳnh quang, bình ắc quy…).
Các loại chất thải trên sau khi được phân loại phải được chứa đựng trong các bao bì theo quy định và được lưu giữ trong các khu vực phù hợp trước khi chuyển giao cho các đơn vị xử lý.
|
PLRTN đi vào thực tế, hiệu quả
Tại TP.Bà Rịa, để chuẩn bị cho lộ trình tiến đến PLRTN toàn dân, thành phố đã triển khai thí điểm thu gom rác vô cơ vào thứ Bảy hằng tuần tại 2 phường Phước Hiệp và Phước Trung. Để thực hiện PLRTN đạt hiệu quả, các phường đã hỗ trợ thùng rác cho các hộ khó khăn, cũng như lập đoàn để kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm việc PLRTN.
Theo ông Trần Cao Điền, Phòng TN-MT TP.Bà Rịa, thành phố sẽ tiếp tục đánh giá lại quá trình thực hiện để có phương án thực hiện quyết liệt với các tuyến đường đã và đang triển khai thí điểm với mục tiêu PLRTN phải đi vào thực tế, hiệu quả từ đó làm cơ sở nhân rộng khắp địa bàn.
Trong khi đó, các địa phương khác như: Long Điền, Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ… cũng thực hiện nhiều giải pháp để giúp người dân PLRTN. Ông Phạm Quý Nhân, Phó Phòng TN-MT huyện Châu Đức cho hay, thời gian qua, huyện đã thực hiện PLRTN ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị. Từ đó làm cơ sở để triển khai PLRTN đến từng thôn, xã… và đến từng hộ gia đình.
Mô hình PLRTN cũng đang được triển khai trong hơn một năm qua tại Sở TN-MT. Đây được xem là mô hình tiêu chuẩn, làm cơ sở đề xuất áp dụng triển khai nhân rộng trong khu Trung tâm hành chính tỉnh và trụ sở của các đơn vị trực thuộc.
Theo ông Phạm Quốc Đăng, Phó Giám đốc Sở TN-MT, PLRTN là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần vào việc giải quyết những vấn đề môi trường do chất thải rắn sinh hoạt gây ra.
Bài, ảnh: QUANG VŨ