.

Hành trình xanh từ phân loại rác thải tại nguồn

Cập nhật: 18:09, 23/12/2024 (GMT+7)

Phân loại rác tại nguồn (PLRTN) là một trong những chiến lược trọng tâm của tỉnh và cả quốc gia nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đó là một hành trình xanh bắt đầu từ việc thay đổi thói quen, hình thành ý thức phân loại rác cho người dân đến mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững.

PLRTN nhằm hướng đến mục tiêu hạn chế rác thải, hạn chế chôn lấp và bảo vệ môi trường.  Trong ảnh: Lực lượng chức năng phường 11 (TP.Vũng Tàu) thu gom rác lên xe chuyên dụng.
Phân loại rác tại nguồn nhằm hướng đến mục tiêu hạn chế rác thải, hạn chế chôn lấp và bảo vệ môi trường. 
Trong ảnh: Lực lượng chức năng phường 11 (TP.Vũng Tàu) thu gom rác lên xe chuyên dụng đưa đi xử lý.

Thay đổi nhận thức, thay đổi hành động

Sáng Chủ nhật, khu chung cư 5 tầng khu phố 9 (phường 7, TP.Vũng Tàu) trở nên rộn ràng hơn bởi hoạt động PLRTN. Gần 20 chị em phụ nữ tập trung phía dưới sân. Người phân loại nhựa, giấy, bìa…, người bỏ vào bao tải, người thì đưa lên cân. Sau khi phân loại, đã có hơn 40kg bìa các tông, gần 400 vỏ lon bia và hơn 20kg sắt vụn được bán cho điểm thu mua ve chai.

Ông Trần Phương Minh, Phó Chủ tịch UBND phường 7, cho biết: "Trung bình mỗi tháng, phường thu gom được khoảng 3.150kg rác tái chế, bán ve chai bình quân đạt khoảng 1,8 triệu đồng. Không chỉ tạo ra nguồn thu từ việc tái chế, mô hình này còn góp phần hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, tạo nên giá trị xã hội tích cực bên cạnh giá trị môi trường".

Cách làm hay và sáng tạo của phường 7 đã được TP. Vũng Tàu nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn đến các xã, phường còn lại.

Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, cho hay: "Năm 2024, thành phố đã triển khai kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị thành phố, 112 trường học, 101 trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… và được các đơn vị, người dân nhiệt tình hưởng ứng".

Trong khi đó, tại huyện Xuyên Mộc, để có được sự ủng hộ, đồng thuận làm theo từ người dân thì chính cán bộ tại các cơ quan nhà nước là những người tiên phong thực hiện. Tại UBND xã Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc), hình ảnh các cán bộ phân loại rác và bỏ ở những thùng khác nhau, dần dần đã được lan tỏa đến với những người dân trên địa bàn. Nhờ vậy mà đến nay, tỉ lệ hộ gia đình, cá nhân thực hiện PLRTN của xã đã đạt hơn 55%, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Phòng TN-MT huyện Châu Đức, mỗi ngày huyện Châu Đức phát sinh khoảng 91 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tương ứng với 33.215 tấn/năm. Trong đó, khối lượng rác sinh hoạt được thu gom, xử lý khoảng 78 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 85,71%. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trên toàn huyện, các xã đã chủ động PLRTN. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân giảm thải rác tại nguồn, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường... Qua rà soát, tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn trên địa bàn huyện Châu Đức hiện nay đã đạt 40%.

Người dân phường 7 (TP.Vũng Tàu) phân loại rác tái chế để bán gây quỹ học bổng cho học sinh nghèo.
Người dân phường 7 (TP.Vũng Tàu) phân loại rác tái chế để bán gây quỹ học bổng cho học sinh nghèo.

Hướng đến nền kinh tế xanh

Theo Sở TN-MT, cùng với sự phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa, lượng chất thải rắn trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 10% mỗi năm. Dự báo đến năm 2025, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh sẽ đạt khoảng 1.590 tấn/ngày.

Để bảo vệ môi trường và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, tỉnh đã phê duyệt Đề án Quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030. Mục tiêu là đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại đạt trên 30% và đạt 50% vào năm 2030.

Nhằm đạt mục tiêu trên, tỉnh đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, ngoài việc tập trung nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong công tác quản lý chất thải rắn, tỉnh đang tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bằng nhiều hình thức cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc PLRTN. Khuyến khích người dân tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.  

Song song đó, tỉnh cũng tập trung phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể để giám sát việc thực hiện PLRTN; xử phạt các hành vi vứt rác không đúng nơi quy định hoặc không thực hiện phân loại rác. Đồng thời, tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực thu gom, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng dây chuyền, công nghệ hiện đại phù hợp với từng loại chất thải đã được phân loại.

Ông Phạm Quốc Đăng, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, PLRTN không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm mà còn mở ra cơ hội phát triển nền kinh tế tuần hoàn, nơi rác thải trở thành tài nguyên có giá trị. Chẳng hạn, rác thải thực phẩm khi được xử lý đúng cách có thể trở thành phân bón hữu cơ cho nông nghiệp đô thị, rác nhựa tái chế có thể tạo thành các sản phẩm tiêu dùng, và giấy tái chế góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên.

“Đây là một chu trình khép kín mà mỗi người dân đều có thể tham gia để tạo nên thay đổi tích cực trong hành trình xanh”, ông Phạm Quốc Đăng khẳng định.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.