Điểm nghẽn trong phân loại rác
Từ ngày 1/1/2025, người dân không phân loại rác tại nguồn (PLRTN) sẽ bị xử phạt. Thế nhưng đến nay, việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt vẫn còn là bài toán chưa có đáp án hoàn chỉnh.
Người dân đường Hoàng Việt (phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) được tặng thùng rác để thực hiện PLRTN. |
Băn khoăn cuối nguồn
Ngày 1/3/2017, UBND TP. Bà Rịa phê duyệt “Phương án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP.Bà Rịa giai đoạn 2016-2020”. Phường Phước Hiệp được chọn thí điểm PLRTN. Từ giữa năm 2018, UBND phường Phước Hiệp đã tổ chức triển khai, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia. Tuy nhiên, sau gần 2 năm, việc PLRTN ở phường Phước Hiệp hoàn toàn thất bại.
Theo lãnh đạo phường Phước Hiệp, khi triển khai việc PLRTN, đã có 70% hộ dân đồng ý tham gia. Hầu hết người dân cho rằng, việc phân loại rác tại nguồn chưa khả thi bởi việc xử lý rác cuối nguồn tại Công ty TNHH Kbec Vina không theo phân loại. Nghĩa là, tất cả các loại rác thải sinh hoạt sau khi vận chuyển về đây được trộn chung với nhau, dẫn đến việc PLRTN của người dân phường Phước Hiệp không có giá trị.
Câu chuyện này cho thấy việc PLRTN đã được triển khai từ rất lâu nhưng chưa thành công vì những khó khăn nhất định. Và những khó khăn của ngày 6-7 năm trước đến bây giờ vẫn chưa được khắc phục.
Theo Sở TN-MT, PLRTN làm giảm lượng rác thải ra môi trường - tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; giảm lượng rác chôn lấp - tiết kiệm tài nguyên đất; giảm ô nhiễm môi trường; tăng lượng rác tái chế, tái sử dụng - tận dụng, tiết kiệm tài nguyên; mang lợi ích kinh tế cho gia đình; gây quỹ cho hoạt động cộng đồng… Tuy nhiên hiện tại, việc PLRTN tại nguồn trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Chẳng hạn đáp ứng yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường về thời hạn 1/1/2025, PLRTN đúng yêu cầu kỹ thuật không đơn giản đối với cộng đồng, bản thân chất thải trên thực tế rất đa dạng, không dễ phân biệt, phân loại. Ví dụ có nhiều loại chất thải nhựa nhưng không thể tái chế, túi ni- lông dính dầu mỡ thì xếp vào nhóm nào…
Đặc biệt, với người dân, PLRTN còn chưa thật sự tạo được sự đồng thuận lớn bởi đầu nguồn đã sẵn sàng nhưng cuối nguồn vẫn chưa thông. Ngoài ra, một số khu vực nông thôn, việc vận động người dân thu gom rác đã khó chứ nói gì đến chuyện PLRTN. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường thì PLRTN là yêu cầu bắt buộc trong thời gian tới nên khó mấy vẫn phải làm.
Hoàn thiện hạ tầng thu gom và xử lý
Theo Sở TN-MT, mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách như trên đã nêu nhưng thời gian qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp để tiến tới PLRTN trên toàn tỉnh. Ngoài việc tập trung nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong công tác quản lý chất thải rắn, tỉnh đang tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bằng nhiều hình thức cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc PLRTN.
Song song đó, tỉnh cũng tập trung phát huy tối đa vai trò của các tổ chức, đoàn, hội cùng giám sát việc thực hiện PLRTN. Xử phạt các hành vi vứt rác không đúng nơi quy định, không PLRTN. Đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực thu gom, tái chế, xử lý CTRSH; đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại phù hợp với từng loại chất thải rắn đã được phân loại, để đồng bộ từ khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý rác.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Xuyên Mộc cho rằng, thực hiện PLRTN cần bắt đầu từ việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; hỗ trợ chi phí mua thùng đựng rác phân loại, xe chuyên dụng chở rác sau khi phân loại và cuối cùng là phải có nhà máy xử lý rác đã phân loại.
Theo dự báo đến năm 2025, lượng chất thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh sẽ lên đến 1.590 tấn/ngày, tăng 829 tấn/ngày so với thời điểm hiện nay. Như vậy, về lâu dài, để phát triển bền vững, Bà Rịa- Vũng Tàu cần phải tính đến giải pháp căn cơ là phân loại rác tại nguồn, tái chế chất thải… Đặc biệt là phương án xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt kết hợp thu hồi năng lượng, chế biến phân hữu cơ từ rác thải sau khi đã phân loại. |
Ông Phạm Quốc Đăng, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, UBND tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác quản lý và đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Cụ thể, tỉnh đang tập trung hoàn tất các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt, phát điện trong Khu xử lý chất thải tập trung tại xã Tóc Tiên (công suất xử lý 1.000 tấn/ngày, phát điện 20MW) và dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt tại huyện Côn Đảo (công suất giai đoạn đến năm 2030 là 36 tấn/ngày, đến năm 2040 là 50 tấn/ngày và dự kiến đến năm 2045 là 66 tấn/ngày). Đồng thời, đôn đốc, yêu cầu Công ty CP Môi trường xanh Bảo Ngọc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Nhà máy xử lý CTRSH và chế biến phân compost Tân Thành công suất 500 tấn/ngày tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên.
Bài, ảnh: QUANG VŨ