.

5/7 địa phương hoàn thành việc xử lý tàu cá 3 không

Cập nhật: 18:39, 15/12/2024 (GMT+7)

5/7 địa phương đã hoàn thành việc xử lý tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép), gần 90% đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá. Tỉnh đang trên hành trình về đích xử lý tàu cá 3 không tại 7 địa phương có tàu cá (ngoại trừ huyện Châu Đức).

Xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc còn gần 20 tàu cá
Xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc còn gần 20 tàu cá "3 không" đang làm nghề cấm: rập, xếp được các cơ quan chức năng tuyên truyền chuyển đổi nghề.

Đến tận nhà hỗ trợ ngư dân

Trong thời gian kiểm tra, khảo sát thực tế, cán bộ các địa phương và Chi cục Thủy sản nhận thấy ngư dân không rành về các thủ tục giấy tờ nên đã chủ động hỗ trợ bà con.

Bà Bùi Thị Thanh Trà (phường 12, TP.Vũng Tàu), có tàu cá dài 9,8m câu mực ở vùng ven bờ đi về trong ngày nhưng không có giấy tờ. Nhờ sự hỗ trợ của cán bộ phường, bà đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, do Chi cục Thủy sản tỉnh cấp ngày 11/11/2024.

“Các cán bộ của phường và Chi cục Thủy sản rất tận tình, gần như cầm tay chỉ việc hướng dẫn tôi điền từng mục khai báo thông tin về tình trạng tàu, chụp ảnh tàu, khai báo thuế trước bạ, hoàn thiện các loại giấy tờ để gia đình nhận được giấy chứng nhận đăng ký tàu cá”, bà Trà chia sẻ.

TP.Vũng Tàu có 93 tàu cá “3 không”. Thời gian qua, lãnh đạo thành phố quyết liệt chỉ đạo các phường, xã, ban ngành xử lý, giải quyết tàu cá 3 không. UBND TP. Vũng Tàu đã chỉ đạo thành lập 6 tổ công tác ở 6 phường, xã có tàu “3 không”, trong đó Tổ trưởng là chủ tịch phường, xã, để phối hợp, hỗ trợ ngư dân thực hiện các thủ tục giấy tờ, kiểm tra tàu cá, hướng dẫn chủ tàu kê khai thuế trước bạ,… Đến nay 93 tàu cá “3 không” của TP.Vũng Tàu đã được cấp giấy chứng nhận tàu cá và cập nhật lên hệ thống nghề cá quốc gia (VNFishbase).

Tại huyện Đất Đỏ có 377 tàu cá “3 không”, trong đó có 65 tàu từ 12-15m khai thác vùng lộng. Các tàu này phải hoàn thành thêm thủ tục đăng kiểm mới được xem xét cấp đăng ký tàu cá. Theo ông Trần Văn Dũng, Phó phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ, thời gian qua các địa phương đều bị vướng trong việc đăng kiểm cho tàu cá “3 không” do tỉnh không còn Trung tâm đăng kiểm nhà nước. Tổ công tác của huyện đã hướng dẫn ngư dân đưa tàu cá đến đăng kiểm ở trung tâm tư nhân và đến nay huyện Đất Đỏ cũng đã hoàn thành việc cấp đăng ký cho tàu cá “3 không”.

Tương tự, các huyện Long Điền, Côn Đảo và TP.Bà Rịa cũng đã về đích trong việc xử lý và cấp giấy chứng nhận đăng ký cho tàu cá “3 không”. 2 địa phương còn lại là TX.Phú Mỹ (7 tàu) và huyện Xuyên Mộc (137 tàu) dự kiến cũng sẽ hoàn thành trong tuần sau.

Chuyển đổi nghề cấm

Ông Võ Văn Hùng, ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, có tàu cá dài 8,7m làm nghề rập. Sau khi được cán bộ xã đến nhà tuyên truyền, phân tích những mặt có hại của nghề rập, xếp là nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản, ông Hùng đã đồng ý chuyển đổi sang nghề lưới và được hướng dẫn thủ tục chuyển đổi để cấp đăng ký cho tàu cá.

Cán bộ Đồn biên phòng Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) tuyên truyền, phân tích mặt hại, để ngư dân chuyển đổi từ nghề cấm sang các nghề thân thiện với môi trường.
Cán bộ Đồn biên phòng Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) tuyên truyền, phân tích mặt hại, để ngư dân chuyển đổi từ nghề cấm sang các nghề thân thiện với môi trường.

Theo bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, hầu hết các địa phương đều quan tâm và tập trung nguồn lực giải quyết tàu cá “3 không”, làm việc bất kể giờ giấc, ngày nghỉ. Ngư dân nào chưa lên UBND xã, phường để hoàn tất thủ tục giấy tờ thì xã, phường kết hợp với các đoàn thể, cán bộ Chi cục Thủy sản đến tận nhà hỗ trợ ngư dân.

Tính đến ngày 13/12, toàn tỉnh có 1.109 tàu cá “3 không”, trong đó gần 90% đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá. Còn 144 tàu dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2024.

Các nghề, ngư cụ gây nguy hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh như rập, xếp, giã cào, các nghề cào đáy… thuộc nghề cấm. Căn cứ theo Điều 27 Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định, người sử dụng ngư cụ, nghề cấm để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu ngư cụ cấm, sử dụng khai thác thủy sản và tước quyền sử dụng giấy phép khai thác từ 3 - 6 tháng đối với hành vi vi phạm.

“Hiện huyện Xuyên Mộc còn khoảng 20 tàu thuộc nghề cấm: rập, xếp. Chúng tôi đã cử cán bộ xuống từng nhà của ngư dân để vận động, tuyên truyền bà con chuyển đổi sang các nghề thân thiện với môi trường như nghề câu, nghề lưới. Bởi sau ngày 31/12/2024, các tàu này nếu không chuyển đổi nghề sẽ bị cấm đi biển và bị chế tài theo quy định”, bà Na lưu ý.

Bài, ảnh: NGỌC MINH

.
.
.