.

Phát triển hạ tầng đô thị theo hướng bền vững

Cập nhật: 16:52, 18/11/2024 (GMT+7)

Phát triển hạ tầng đô thị hiện nay không chỉ tạo không gian sống chất lượng, mà còn hướng đến sự hiện đại, đồng bộ, liên kết, với trọng tâm thúc đẩy sự phát triển bền vững của đô thị. Đây là những định hướng quan trọng trong chương trình phát triển đô thị tỉnh.

Đầu tư hạ tầng đô thị để phát triển bền vững là định hướng lớn của tỉnh trong chương trình phát triển đô thị.
Đầu tư hạ tầng đô thị để phát triển bền vững là định hướng lớn của tỉnh trong chương trình phát triển đô thị.

Từng bước hiện đại hóa và đồng bộ hạ tầng đô thị

Đường Lê Hồng Phong là một trong những trục chính, trung tâm của TP.Vũng Tàu, dài khoảng 4km, nối từ bùng binh Đài Liệt sĩ đến đường Lê Lợi. Trước đây, tuyến đường này là nỗi ám ảnh của người dân vì dây cáp viễn thông, truyền hình chằng chịt, thì nay đã được “giải phóng” hoàn toàn. Không gian đô thị như vừa được “cởi trói”, thông thoáng hơn hẳn.

Trên địa bàn TP.Vũng Tàu có 271 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 230km có hệ thống lưới điện hạ thế treo trên các trụ bê tông. Cùng đi chung trên các cột điện này là dây cáp của các đơn vị viễn thông, truyền hình. Theo ông Nguyễn Trọng Thụy, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, việc ngầm hóa cáp viễn thông, truyền hình, lưới điện chính là “cuộc đại phẫu thẩm mỹ” cho đô thị Vũng Tàu, nhằm phát triển đô thị theo hướng bền vững.

Nhà máy thu gom và xử lý nước thải khu đô thị mới Phú Mỹ chính thức vận hành từ cuối tháng 10/2024 góp phần hoàn thiện hạ tầng đô thị theo hướng bền vững.
Nhà máy thu gom và xử lý nước thải khu đô thị mới Phú Mỹ chính thức vận hành từ cuối tháng 10/2024 góp phần hoàn thiện hạ tầng đô thị theo hướng bền vững.

Tính đến nay, TP.Vũng Tàu đã có hơn 10 tuyến đường trung tâm hoàn thành việc hạ ngầm các thiết bị hạ tầng như: Bacu, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lê Văn Tám, Thống Nhất Mới, Hoàng Hoa Thám, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Văn Trỗi, Trương Công Định, Phan Chu Trinh…

Câu chuyện ngầm hóa chỉ là một trong những việc làm thiết thực trong chương trình phát triển hạ tầng đô thị theo hướng bền vững mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang triển khai trong thời gian qua. Cùng với ngầm hóa hệ thống điện, cáp viễn thông, các nhà máy xử lý nước thải đô thị cũng lần lượt được đầu tư xây dựng; hệ thống cấp nước cũng ngày càng tối ưu hiệu quả cung cấp nước sạch cho đô thị, các KCN; nhiều tuyến đường giao thông nội đô, nội thị, tuyến đường liên kết vùng cũng được đầu tư nâng cấp hoặc xây mới… góp phần hoàn thiện hạ tầng đô thị.

Theo ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, trong những năm đầu thành lập tỉnh, hệ thống giao thông đô thị và nông thôn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, tổng chiều dài chỉ khoảng gần 1.000km, chủ yếu là những tuyến đường cũ, với mặt cắt ngang nhỏ hẹp, một số ít tuyến đường nhựa đã hư hỏng, xuống cấp, đầu tư không đồng bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật.

Sau 30 năm đầu tư phát triển, hệ thống giao thông đô thị và nông thôn có sự phát triển rõ nét. Đến nay, tỉnh đã xây dựng mới, mở rộng, cải tạo các tuyến đường cũ với tổng chiều dài hàng ngàn km, tạo ra hệ thống giao thông liên hoàn, gắn kết giữa các đô thị, các vùng kinh tế trong tỉnh. Tại các đô thị, hệ thống tuyến đường chính được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật (như cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, cấp điện, thông tin), giải quyết tốt vấn đề giao thông vận tải và du lịch, góp phần tạo đô thị khang trang, sạch đẹp, văn minh, hiện đại.

Ngoài ra, tỉnh còn tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng mới nhiều tuyến đường như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến tránh quốc lộ 56, liên cảng Cái Mép - Thị Vải, 991B, Phước Hòa - Cái Mép, đường vào khu công nghiệp dầu khí Long Sơn, đường Hội Bài - Châu Pha - Đá Bạc - Phước Tân...

Một góc đô thị đường 3/2, TP. Vũng Tàu.
Một góc đô thị đường 3/2, TP. Vũng Tàu.

Phát triển đô thị có trọng tâm, trọng điểm

Đến nay, tất cả các đô thị trên địa bàn tỉnh đã và đang được rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung để làm căn cứ thu hút đầu tư phát triển đô thị có trọng tâm, trọng điểm nhằm từng bước nâng chất lượng đô thị.

Hầu hết các đô thị trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung đã được phê duyệt; đã lập mới hoặc điều chỉnh 144 đồ án quy hoạch đô thị và cơ bản đã phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 các khu chức năng đô thị quan trọng như KCN, khu du lịch, khu trung tâm đô thị, các khu dân dụng quan trọng... đáp ứng không gian phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 10 đô thị bao gồm: 1 đô thị loại I (TP.Vũng Tàu), 1 đô thị loại II (TP.Bà Rịa), 1 đô thị loại III (TX.Phú Mỹ) và 7 đô thị loại V gồm: TT.Long Điền và TT.Long Hải (huyện Long Điền); TT.Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc); TT.Đất Đỏ và TT.Phước Hải (huyện Đất Đỏ); TT.Ngãi Giao và đô thị Kim Long (huyện Châu Đức). Mục tiêu phát triển của tỉnh là đến năm 2025 có 14 đô thị, trong đó 2 đô thị loại I; 3 đô thị loại III; 2 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V.

Nội dung các đồ án quy hoạch xây dựng và dự án đầu tư xây dựng đều được quan tâm ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong các giải pháp xây dựng, phân khu chức năng, giải pháp hạ tầng kỹ thuật theo công nghệ mới an toàn, kinh tế và hiệu quả nhằm phát triển bền vững…

Đến thời điểm này, hệ thống đô thị của tỉnh đã và đang được phát triển theo phân vùng hành lang kinh tế: Vùng phát triển công nghiệp, dịch vụ, cảng biển dọc hành lang phía Tây Nam của tỉnh; vùng phát triển dịch vụ - du lịch chủ yếu tập trung tại hành lang ven biển phía Đông và vùng phát triển kinh tế nông nghiệp, cụm công nghiệp và vùng vành đai nguyên liệu tập trung phía Bắc của tỉnh.

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với các trụ cột kinh tế gồm công nghiệp, cảng biển và logistics, du lịch và đô thị, dịch vụ. Kế hoạch hành động số 58/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW cũng đề xuất đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm nâng cao chất lượng đô thị, bảo đảm hiện đại, thông minh, kết nối với các đô thị lớn trong khu vực và thế giới. Theo đó, các đô thị tại Bà Rịa - Vũng Tàu được định hướng phát triển theo hướng đô thị xanh và bền vững.

Đánh giá về tình hình phát triển đô thị đã tác động mạnh đến thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, ông Mai Trung Hưng khẳng định, việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp, đô thị tương đối đồng bộ và hiện đại đã góp phần quan trọng trong việc làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ với tốc độ cao.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.