.

Đề xuất áp dụng giá điện như cước điện thoại

Cập nhật: 17:58, 08/11/2024 (GMT+7)

Ngành điện cho biết, tính giá điện theo biểu 2 thành phần khiến chi phí phụ thuộc vào chế độ sử dụng, khuyến khích người dân và DN điều chỉnh cách dùng điện, mang lại hiệu quả đôi bên và tiết kiệm nguồn lực xã hội.

Việc tính giá điện 2 thành phần góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện có hiệu quả, nâng cao hiệu số phụ tải, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ.
Việc tính giá điện 2 thành phần góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện có hiệu quả, nâng cao hiệu số phụ tải, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ.

Giá điện 2 thành phần

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo Bộ Công thương đề xuất về cơ chế và lộ trình áp dụng giá điện 2 thành phần.

Cụ thể, theo cơ chế này, hóa đơn tiền điện mà người tiêu dùng phải thanh toán bao gồm chi phí trả cho công suất sử dụng (bản chất là chi phí cố định của quá trình cung ứng điện) và phần điện năng tiêu dùng (tức là phần chi phí biến đổi).

Ví dụ, hai hộ sử dụng điện cho ngoài sinh hoạt có cùng mức sản lượng 300.000kWh/năm nhưng chế độ sử dụng điện khác nhau. Theo cách tính hiện nay, hai hộ này cùng trả một mức hóa đơn. Tuy nhiên, nếu áp theo biểu giá 2 thành phần, khi hộ có hệ số phụ tải lớn (nghĩa là phụ tải sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, giúp tiết kiệm điện năng) sẽ trả chi phí tiền điện ít hơn do giảm được chi phí công suất.

Theo đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, giá điện 2 thành phần nôm na giống với giá cước điện thoại cố định, tức là có một số tiền gọi là thuê bao hàng tháng, dù không nghe gọi gì, gọi là giá công suất. Phần thứ hai là tính trên lượng điện năng tiêu thụ, gọi là giá điện năng.

Do đó, cơ chế giá điện 2 thành phần phản ánh chính xác chi phí phải bỏ ra để phục vụ mỗi khách hàng, là chi phí đường dây, trạm biến áp và chi phí điện năng. Cụ thể, người dùng ở khung giờ thấp điểm với chi phí thấp chỉ phải trả số tiền ít. Nhưng nếu dùng ở khung giờ cao điểm, chi phí mà hệ thống tạo ra điện ở mức cao, sẽ phải chấp nhận chi trả ở mức cao.

Trong đề xuất của EVN cũng đề nghị phân loại nhóm khách hàng gồm: khách hàng ngoài sinh hoạt; khách hàng sinh hoạt có sản lượng tới 2.000kWh/tháng; khách hàng có sản lượng trên 2.000kWh/tháng; phân loại theo cấp điện áp gồm 4 cấp là siêu cao áp, cao áp, trung áp và hạ áp để tính toán phương án hệ thống giá.

Về thời gian áp dụng, trước mắt sẽ thử nghiệm cho các hộ điển hình và hiệu quả thuộc nhóm các khách hàng sử dụng điện lớn (được quy định tại nghị định 80/2024 của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp) để kiểm soát nội bộ, rút kinh nghiệm và điều chỉnh phù hợp trước khi đưa vào triển khai chính thức. Trong giai đoạn này, ngành điện và khách hàng vẫn sử dụng hệ thống giá hiện hành để tính hóa đơn tiền điện.

Sau khi giai đoạn thử nghiệm kết thúc, hoàn thiện biểu giá 2 thành phần, chuẩn bị đầy đủ hành lang pháp lý và các điều kiện liên quan khác sẽ triển khai áp dụng chính thức giá điện 2 thành phần thí điểm toàn bộ khách hàng sản xuất bình thường của Nghị định số 80, thay thế cho biểu giá điện hiện tại. Các nhóm khách hàng khác tiếp tục thực hiện biểu giá hiện hành.

Dự kiến việc tính giá điện 2 thành phần sẽ được thử nghiệm cho các hộ điển hình và hiệu quả thuộc nhóm khách hàng sử dụng điện lớn. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Nhà thép Khang Thịnh, huyện Long Điền.
Dự kiến việc tính giá điện 2 thành phần sẽ được thử nghiệm cho các hộ điển hình và hiệu quả thuộc nhóm khách hàng sử dụng điện lớn. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Nhà thép Khang Thịnh, huyện Long Điền.

Thúc đẩy người dân, DN sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả

Hiện nay tổng số khách hàng sử dụng điện của tỉnh là hơn 450.000, trong đó, hơn 380.000 khách hàng sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Trong đó, hơn 12.300 đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh đang trả trung bình mỗi tháng 7,96 triệu đồng tiền điện. Với đơn vị sản xuất (trừ khách hàng đường dây 110KV) hơn 36.400 hộ, trung bình mỗi tháng trả 12,725 triệu đồng (tính đến trước tháng 10).

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu, cơ chế giá điện 2 thành phần dựa trên nguyên tắc nền tảng chi phí cung ứng điện và đặc điểm hộ tiêu dùng, bảo đảm khi áp dụng sẽ công bằng với các hộ tiêu thụ và hộ tiêu thụ chi trả chi phí mà họ gây ra cho hệ thống.

Do đó, cơ chế này giúp quản lý nhu cầu phụ tải tự nhiên, nâng cao khả năng sử dụng tài sản cố định nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả chung của xã hội. Việc áp dụng phương án này bảo đảm công bằng, minh bạch, giảm việc bù chéo giữa các khách hàng, qua đó, tránh việc đăng ký công suất lớn rồi không sử dụng, góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện có hiệu quả, nâng cao hiệu số phụ tải, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ.

Bài, ảnh: QUANG VINH

.
.
.