.

Quy tắc xuất xứ hàng hóa: Tấm vé vàng vào thị trường quốc tế

Cập nhật: 16:21, 06/10/2024 (GMT+7)

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng triệt để các ưu đãi thuế quan, DN cần nắm vững các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa (C/O) - yếu tố quyết định để hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế.

Công nhân Công ty TNHH Uniform Management Services (Việt Nam), KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu gia công quần áo tại xưởng.
Công nhân Công ty TNHH Uniform Management Services (Việt Nam), KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu gia công quần áo tại xưởng.

Nâng cao giá trị hàng hóa

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kantaro (TP.Vũng Tàu), đã thành công trong việc tận dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa để nâng cao giá trị sản phẩm. Mỗi năm, công ty xuất khẩu gần 40 container thực phẩm sang thị trường Nhật Bản. Theo bà Hà Thị Hiên, Quản lý Xuất nhập khẩu của công ty, việc hiểu và tuân thủ đúng quy tắc xuất xứ là chìa khóa để sản phẩm của họ đạt được tiêu chuẩn khắt khe từ Nhật Bản và các thị trường khác.

"Nhật Bản là một thị trường rất khó tính, không chỉ về chất lượng, mà còn về quy định xuất xứ hàng hóa. Chúng tôi phải đảm bảo minh bạch nguồn gốc xuất xứ để chứng minh sản phẩm tuân thủ quy định của FTA, qua đó hưởng các ưu đãi thuế quan", bà Hiên chia sẻ.

Công nhân Công ty TNHH Ngọc Tùng chế biến hải sản xuất khẩu.
Công nhân Công ty TNHH Ngọc Tùng chế biến hải sản xuất khẩu.

Không dừng lại ở Nhật Bản, Kantaro đang mở rộng thị trường sang Hàn Quốc - một thị trường tiềm năng với nhiều ưu đãi nhờ quy tắc xuất xứ hàng hóa từ các FTA song phương.

Trong khi đó, ngành dệt may từng đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, đặc biệt khi phần lớn nguyên liệu may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc. Các quy định từ FTA, như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đã giúp tháo gỡ phần nào khó khăn này.

Trước đây, để xuất khẩu sang Nhật Bản, sản phẩm dệt may phải tuân thủ quy tắc xuất xứ hai công đoạn - từ nguyên liệu đến gia công phải xuất xứ từ các nước thành viên của hiệp định. Điều này khiến nhiều DN gặp khó khăn vì Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Từ khi RCEP có hiệu lực, quy tắc xuất xứ được đơn giản hóa, chỉ yêu cầu cắt may tại Việt Nam là đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan. Điều này không chỉ giảm bớt áp lực cho DN, mà còn tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu vào Nhật Bản và các nước khác.

Năm 2023, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Vũng Tàu đã cấp 22.384 hồ sơ C/O với tổng kim ngạch xuất khẩu gần 1,2 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2024, phòng đã cấp 1.847 hồ sơ với kim ngạch xuất khẩu gần 640 triệu USD.

Hiểu quy tắc để tận dụng ưu đãi thuế quan

Tại buổi tập huấn về quy tắc xuất xứ do Sở Công thương phối hợp với Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Vũng Tàu, VCCI Vũng Tàu tổ chức, ông Trần Ngọc Bình, Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TP.Hồ Chí Minh (Bộ Công thương) nhấn mạnh, C/O là yếu tố quyết định để DN hưởng ưu đãi thuế quan từ FTA. “C/O không chỉ là giấy tờ xác định nguồn gốc hàng hóa, mà còn là công cụ để DN tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại quốc tế”, ông Bình chia sẻ.

Việt Nam hiện đã ký kết và thực thi 16 hiệp định FTA. Tuy nhiên, để hàng hóa xuất khẩu hưởng ưu đãi thuế quan, DN cần nắm vững quy tắc xuất xứ của từng hiệp định và thị trường xuất khẩu. Quy tắc xuất xứ còn đóng vai trò như "lá chắn" bảo vệ các nền kinh tế trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh, buộc DN phải hiểu rõ các quy định này để đảm bảo quyền lợi cho sản phẩm của mình.

Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định, Sở đang tích cực hỗ trợ DN trong việc cấp chứng nhận C/O và cung cấp thông tin thị trường. “Việc nắm vững quy tắc xuất xứ không chỉ giúp DN hưởng ưu đãi thuế quan, mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế”, bà Hảo cho biết.

Sở Công thương cũng hỗ trợ DN trong việc tiếp cận thông tin thị trường và chính sách thương mại của các nước nhập khẩu. Thông qua các buổi tập huấn và chương trình hỗ trợ, DN tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã có cơ hội nắm bắt các quy định mới, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

 

.
.
.