.

Quản lý chất thải rắn hướng tới trung hòa carbon

Cập nhật: 17:47, 31/10/2024 (GMT+7)

Chuyển đổi chất thải thành năng lượng, tài nguyên; ứng dụng chuyển đổi số; sản xuất khí và than sinh học; tận dụng chất thải thành sinh khối nông nghiệp… là các giải pháp được đề xuất tại buổi thảo luận chuyên đề “Quản lý chất thải rắn hướng tới trung hòa carbon” sáng 31/10.

Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai việc phân loại rác tại nguồn, một trong những giải pháp để tiến tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai việc phân loại rác tại nguồn, một trong những giải pháp để tiến tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Bà Rịa-Vũng Tàu nỗ lực quản lý chất thải rắn

Báo cáo tại buổi thảo luận, ông Trần Thượng Thọ, Trưởng phòng Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho biết, thời gian qua Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030; phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh năm 2025.

Để tiến tới quy định áp dụng thực hiện phân loại rác tại nguồn, từ tháng 8/2023, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 2066/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Quản lý chất thải rắn và phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030”. Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn khu đô thị, nông thôn trên địa bàn đạt hơn 50%.

Tháng 6/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2024/QĐ-UBND quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo quy định mới này, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại thành 3 loại: chất thải thực phẩm; chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng (giấy thải, nhựa thải, thủy tin, cao su…); chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải rắn cồng kềnh có kích cỡ lớn và chất thải nguy hại gồm bóng đèn huỳnh quang, bình ắc quy…).

 Song song đó, tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện tại xã Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ), KCN Đất Đỏ 1 và tại TP.Vũng Tàu để kết hợp với các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ tái chế, sản xuất phân bón hữu cơ, bảo đảm xử lý toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực đất liền của tỉnh. Đối với Côn Đảo sẽ xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt - phát điện cho riêng Côn Đảo.

Bài học từ Sakai

Chia sẻ tại cuộc thảo luận, ông Fujiwara Hiroshi, Chuyên viên bộ phận quản lý vệ sinh công cộng, phòng vệ sinh công cộng, Cục Môi trường TP.Sakai (Nhật Bản) cho biết, TP.Sakai được Chính phủ Nhật Bản lựa chọn là “khu vực dẫn đầu về khử carbon với dự án sản xuất và tiêu thụ năng lượng tại địa phương Sakai”.

Năm 2023, TP.Sakai phát sinh khoảng 258.392 tấn chất thải sinh hoạt thông thường. Nhưng TP.Sakai đã áp dụng Luật cơ bản thúc đẩy hình thành xã hội định hướng tái chế vì vậy hầu hết chất thải phát sinh của thành phố đều được phân loại chặt chẽ, thực hiện tái chế, tái sử dụng...

Cụ thể, TP.Sakai thúc đẩy việc sử dụng các loại túi, bao bì có thể tái sử dụng. Bên cạnh đó, thành phố Sakai cũng thúc đẩy giảm thiểu rác thải cồng kềnh và hạn chế mua mới. Ngoài ra, TP.Sakai áp dụng thành công sáng kiến mới - tái chế vòng kín cho các chai nhựa PET vào năm 2025.

Ông Tezura Yuichi, Chuyên viên phòng xúc tiến kinh tế tuần hoàn, Công ty TNHH Nippon Koei cho biết, ngoài các giải pháp về tái chế, TP.Sakai đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng chuyển đổi số để tối ưu hóa thu gom và vận chuyển chất thải. Theo đó, Sakai sử dụng AI để tính toán lộ trình thu gom tối ưu dựa trên thông tin cơ bản liên quan đến thu gom chất thải. Ngoài ra, tại các nhà máy đốt rác tại TP.Sakai còn sử dụng robot phân loại tự động sử dụng AI. Hệ thống trang bị AI phân tích màu sắc, kết cấu, hình dạng và mô hình từ hình ảnh thu thập bởi camera để xác định đặc tính của vật liệu. Dựa trên thông tin này, hai loại robot và hệ thống có thể được sử dụng để phân loại với độ chính xác 95%.

Nhờ áp dụng các biện pháp hữu hiệu đó, tình trạng phát thải nhà kính của thành phố đã giảm dần theo từng năm. Nếu năm 2013 phát thải nhà kính 747 tấn CO2 thì năm 2020 chỉ còn 604 tấn CO2. Và Sakai tiếp tục đặt mục tiêu giảm 50% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050.

Các chuyên gia Nhật Bản cũng khẳng định, các giải pháp mà TP.Sakai đã thực hiện hoàn toàn có thể áp dụng tại Bà Rịa - Vũng Tàu trong quản lý chất thải rắn để hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.