.

Những ngành mới gánh vác nhiệm vụ tăng trưởng

Cập nhật: 18:09, 21/10/2024 (GMT+7)

Nhiều lĩnh vực công nghiệp mới tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã “thành hình”, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và được dự báo sẽ trở thành động lực tăng trưởng trong những năm tới.

Những dự án hóa dầu tỷ đô

Đầu tháng 10, Tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên của Việt Nam tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu với tổng vốn hơn 5 tỷ USD do Tập đoàn SCG Thái Lan làm chủ đầu tư chính thức vận hành thương mại. Đây là dự án được thiết kế để sản xuất đa dạng sản phẩm hóa dầu khác nhau bao gồm các nguyên liệu nhựa thiết yếu như polyethylene (PE) và polypropylene (PP), phục vụ cho cả khách hàng trong nước và xuất khẩu.

Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn vận hành thương mại đóng góp lớn cho giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn vận hành thương mại đóng góp lớn cho giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Các sản phẩm hạt nhựa từ LSP sẽ giúp giảm lượng nhập khẩu polyolefin, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh cho các DN hạ nguồn trong chuỗi cung ứng. Các sản phẩm này cũng sẽ là nguyên liệu cơ bản cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau, như đóng gói bao bì, sản xuất nông nghiệp, thiết bị điện, phụ tùng ô tô…

Ông Kulachet Dharachandra, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn cho biết, dự án dự kiến đóng góp cho giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh khoảng 1,5 tỷ USD/năm, Các hạng mục đầu tư dự án đều ở “quy mô thế giới”, được trang bị công nghệ tiên tiến đảm bảo an toàn và thân thiện với môi trường. “Chúng tôi tin rằng việc vận hành của LSP sẽ mang lại tăng trưởng kinh tế lâu dài và nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp hóa dầu và ngành nhựa tại Việt Nam”, ông Kulachet Dharachandra nói.

Còn ông Kim Jong Ki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hyosung Vina cho biết, từ khi nhà máy sản xuất PP và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD đi vào hoạt động từ năm 2022, mỗi năm DN đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh khoảng 15 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng.

Hình thành chuỗi cung ứng thiết bị năng lượng tái tạo

Cùng với việc đang dần trở thành trung tâm của ngành công nghiệp hóa chất tại Việt Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu hội đủ các yếu tố về tự nhiên, cơ sở hạ tầng và xã hội để phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi. Hiện nay đã có những DN của tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng này.

Ông Nguyễn Thế Kiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH CS Wind Việt Nam (TX.Phú Mỹ) cho biết, nhà máy tháp gió vừa được đầu tư của DN có công suất 120 ống/tuần. Trong đó, ống có đường kính tối đa 10m trọng lượng khoảng 450 tấn/ống. “Đường kính lớn và chiều cao mỗi ống có thể tương đương ngôi nhà 3 tầng là những tháp gió đáp ứng được yêu cầu của mọi dự án điện gió quy mô lớn hiện nay trên thế giới”, ông Kiện khẳng định.

Còn theo ông Peng Wei Yeh, Tổng Giám đốc Công ty CP China Steel & Nippon Steel Việt Nam, hiện nay, DN đang cung cấp sản phẩm tấm thép điện từ cao cấp, sử dụng trong phần phát điện của tuabin, để chuyển đổi năng lượng gió thành điện năng. Do đó, China Steel & Nippon Steel kỳ vọng có thể tham gia vào chuỗi cung ứng điện gió, đóng góp chung vào sự phát triển trong lĩnh vực này của tỉnh.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã yêu cầu Bộ Công thương phối hợp cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc giao PVN thực hiện khảo sát và thí điểm dự án điện gió ngoài khơi. Cùng với đó, các vướng mắc, bất cập trong triển khai điện gió ngoài khơi sẽ được ghi nhận để tháo gỡ tại Luật Điện lực (sửa đổi) và các quy định khác. Gỡ được “nút thắt” về cơ chế, ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi dược dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và Bà Rịa-Vũng Tàu hội đủ các yếu tố trong lĩnh vực này.

Theo Sở KH-ĐT, trong Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định công nghiệp tiếp tục là một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh, trong đó, phấn đấu đến năm 2030, lĩnh vực này chiếm 60% tỷ trọng kinh tế địa phương. Cùng với tiếp tục phát triển các ngành có thế mạnh truyền thống như dầu khí, điện, thép, phân bón… thì hóa dầu và chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi được xác định trở thành 2 ngành mới, trở thành “trụ cột của trụ cột” phát triển mới của tỉnh.

Bài, ảnh: QUANG VINH

.
.
.