Khẩn trương kiểm tra sức khỏe cây cổ thụ
Chỉ trong 2 tháng, TP.Vũng Tàu đã xảy ra 2 sự cố cây cổ thụ bị đổ, điều này đặt ra yêu cầu cấp bách phải rà soát và xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cây xanh đô thị.
Công nhân và phương tiện của UPC xử lý cây cổ thụ đổ trên đường Lê Lai sáng 25/10. |
Mất an toàn
Một cây me tây có tuổi đời hơn 100 năm, cao khoảng 12m, đường kính 1,1m, bất ngờ đổ sập xuống đường Lê Lai (phường 1, TP.Vũng Tàu) vào lúc 1 giờ 30 phút sáng 25/10. Sự cố nghiêm trọng này không gây thiệt hại về người, tuy nhiên ảnh hưởng đến an toàn giao thông, nhiều nhà dân bị cúp điện, mất kết nối internet, hạ tầng ngầm, vỉa hè, hệ thống cấp nước bị hư hỏng… Bà Đào Thị Thu Hảo (150 Lê Lai, phường 1, TP.Vũng Tàu) kể lại: “Sáng cả nhà đang ngủ say thì bất ngờ nghe tiếng rầm rất mạnh. Mở cửa chạy ra thì thấy cây me trước cửa đổ sập xuống, chắn ngang đường Lê Lai và đè lên nhiều nhà phía đối diện bên kia đường, làm vỡ hệ thống rèm, cửa, sụp đổ bảng hiệu kinh doanh, nứt tường…”.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội Cây xanh Công ty TNHH MTV Hải Đăng (thuộc Công ty CP Phát triển Công viên Cây xanh và Đô thị Vũng Tàu - UPC), cho biết, 6 giờ sáng, công ty đã huy động 2 xe cẩu, 3 xe tải, gần 20 công nhân có mặt tại hiện trường để xử lý. “Tuy nhiên, do cây quá lớn, phạm vi gãy đổ phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực như: cáp ngầm, điện, viễn thông, cấp nước… nên phải mất 5 tiếng đồng hồ lực lượng chức năng mới xử lý xong sự cố”, ông Hùng cho biết.
Trước đó, ngày 24/8, cây me cổ thụ (khoảng 80-90 năm tuổi, cao khoảng 11-12m, đường kính thân cây khoảng 80cm) trên đường Lê Lợi, TP.Vũng Tàu (phía đối diện Công viên Lê Lợi - Trần Hưng Đạo - Lê Quý Đôn) cũng bất ngờ bị đổ sập, đè lên bức tường rào phía bên trong. May mắn, lúc cây bị đổ không có người qua lại trên vỉa hè, cũng không có phương tiện nào đậu đỗ gần khu vực này nên không gây thiệt hại về người và tài sản.
Rà soát toàn bộ cây cổ thụ
Theo thống kê của UPC, trên địa bàn TP.Vũng Tàu có hơn 40 ngàn cây xanh các loại, trong đó cây xanh loại 3 (hay còn gọi là cây cổ thụ) còn khoảng 8.000 cây, chủ yếu là cây xà cừ, lim xẹt, me tây, sao, bàng… tập trung trên các tuyến đường Lý Tự Trọng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Lê Lợi…
Cây cổ thụ có ý nghĩa quan trọng về giá trị cảnh quan đô thị, gắn liền với quá trình hình thành, phát triển, tạo nét đẹp đặc trưng của đô thị và đậm nét văn hóa của TP.Vũng Tàu.
Tuy nhiên, sự việc cây cổ thụ đổ như trên đã nêu cho thấy yêu cầu phải rà soát toàn bộ cây xanh trên địa bàn TP.Vũng Tàu là hết sức quan trọng, nhằm sớm loại bỏ nguy cơ cây gãy, đổ gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.
Theo ông Hoàng Văn Thao, Tổng Giám đốc UPC, việc rà soát, cắt tỉa và chặt hạ những cây nguy hiểm là việc làm liên tục và thường xuyên của công ty. Tuy nhiên, việc đánh giá nguy cơ gãy đổ của cây chủ yếu vẫn đang dựa theo mắt thường. Tình trạng sức khỏe của cây, có bị sâu bệnh bên trong hay không, độ nông sâu của rễ hiện vẫn chưa có phương pháp nào để kiểm tra, đo kiểm được.
Theo thống kê, mùa mưa hàng năm vẫn xảy ra tình trạng cây cổ thụ bị đổ, đè lên nhà dân, chưa gây thiệt hại về người nhưng làm thiệt hại về tài sản. Cụ thể, tháng 3/2023, cây bồ đề cổ thụ trên đường Trưng Nhị bất ngờ bị bật gốc, ngã đổ chắn ngang đường. Cây đổ đè lên xe máy để bên lề đường. Tháng 6/2021, cây xà cừ cổ thụ trên đường Trần Hưng Đạo gãy đổ, làm sập một phần tường rào và quầy bán hàng ở chợ cũ phường 1. Tháng 6/2019 cũng có cây xà cừ cổ thụ trên đường Trương Công Định đè sập nhà dân...
|
Ông Hoàng Văn Thao cho biết thêm, hàng năm UPC đều chăm sóc, duy trì hệ thống cây xanh cổ thụ, cây loại 3 trên địa bàn thành phố theo đúng quy định, quy trình kỹ thuật, dự toán và các điều khoản cam kết đã ký với Phòng Quản lý Đô thị TP.Vũng Tàu.
Với giá trị đặc biệt của hệ thống cây xanh lớn và tình hình thực tế hiện nay, UPC nhận thấy, ngoài công tác duy trì như cắt tỉa cành nhánh, hạ độ cao theo định mức của Bộ Xây dựng, TP.Vũng Tàu cần phải có biện pháp bảo tồn, phát triển hệ thống cây xanh lớn, cây cổ thụ trong thành phố. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đánh giá chuyên sâu về tình hình sinh trưởng của từng loại cây cụ thể như: tuổi thọ, thực trạng và sức khỏe của bộ rễ; tình trạng mục rỗng trong thân cây; ảnh hưởng của địa chất khu vực. Trên cơ sở đó để xây dựng các phương án xử lý kỹ thuật, bảo đảm việc bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh cổ thụ trên địa bàn thành phố.
Trước mắt, UPC đã đề xuất TP.Vũng Tàu thêm các phương án kỹ thuật như: hạ độ cao, chống dựng, giằng néo các cây cổ thụ có thể bảo tồn được trên địa bàn thành phố. Đối với các cây đã già cỗi, không thể phục hồi, công ty sẽ rà soát, đề xuất thay thế trong thời gian tới.
Ngoài ra, UPC cũng kiến nghị UBND TP. Vũng Tàu chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng phối hợp với các phòng chuyên môn khảo sát toàn bộ cây xanh có nguy cơ mất an toàn và lên phương án phòng chống cây đổ để bảo đảm an toàn lâu dài cho người dân…
Bài, ảnh: QUANG VŨ